Tính tới thời điểm hiện tại đã có 6 ngân hàng công bố lợi nhuận năm 2019 với những con số tăng trưởng ấn tượng như: Vietcombank chính thức cán mức tỷ USD; SeABank có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trên 120% so với năm 2018…
Tiếp tục lãi “khủng”
Mới đây nhất, VietinBank đã báo lợi nhuận riêng lẻ năm 2019 đạt gần 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng trên 26% so với kế hoạch, tăng 83% so với năm 2018.
Trước đó, Vietcombank cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 23.130 tỷ đồng, trở thành một trong 2 doanh nghiệp niêm yết có mức lợi nhuận lớn nhất trên thị trường.
Theo con số BIDV công bố, lợi nhuận của nhà băng tăng gần 14% so với năm 2018, vượt gần 5% so với kế hoạch. Các công ty, liên doanh, liên kết đóng góp 589 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt 0,61% và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt trên 15%.
Với các ngân hàng tầm trung, kế hoạch lợi nhuận năm 2019 cũng đã cán đích thành công.
Đại diện OCB cho biết 2019 là năm thứ 3 liên tiếp, OCB có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch, đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm trước. Đặc biệt, tỷ suất sinh lời tiếp tục cải thiện mạnh. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) lần lượt trên 2,4% và 28%. Tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần tăng hơn 25%, đạt mức khoảng 3.300 đồng/cổ phần.
Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Sacombank đạt khoảng 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết với đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Tổng tài sản đạt khoảng 457.000 tỷ đồng, huy động đạt 413.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 296.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống dưới 2%.
Tương tự, TPBank cũng thông báo kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt trên 3.868 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng tương đương 71,3% so với năm trước và đạt 121,75% kế hoạch đặt ra.
Đặc biệt, SeABank vừa công bố đã hoàn thành vượt tất cả chỉ tiêu kinh doanh đã đặt ra tại ĐHĐCĐ hồi đầu năm 2019 với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.390 tỷ đồng, tăng 768,26 tỷ đồng tương đương tăng 123,4%, là mức cao nhất từ trước tới nay.
![]() |
Nhiều ngân hàng có sự bứt phá lợi nhuận trong năm 2019 |
Phân hóa lợi nhuận
Bước sang năm 2020, các chuyên gia đánh giá kết quả lợi nhuận giữa các ngân hàng sẽ có sự phân hoá mạnh mẽ.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng nhóm ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II và đã hoàn tất quá trình xử lý nợ tồn đọng còn nhiều động lực tăng trưởng giúp lợi nhuận tiếp tục bứt tốc.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng còn lại tiếp tục quá trình tái cơ cấu, với nợ tồn đọng lớn sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng tín dụng và làm giảm đáng kể lợi nhuận. Hơn nữa, tỷ số ROE biến động, nhóm ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II có mặt bằng chung ROE cao hơn nhóm còn lại. Điều đó là hợp lý khi các ngân hàng này có mức tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận tốt hơn giúp cải thiện, duy trì ROE ở mức cao hơn trung bình ngành.
Điển hình, Vietcombank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 cao hơn 15% so với năm 2019. Đến năm 2025, lợi nhuận của Vietcombank dự kiến đạt 2 tỷ USD, trong đó lợi nhuận từ bán lẻ đóng góp vào tổng lợi nhuận dự kiến 1 tỷ USD.
Trong khi đó, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 14,5%, tín dụng tăng khoảng 13%. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.600 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%.
Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ cho hay năm 2020, VietinBank sẽ tiếp tục chủ động đổi mới, sáng tạo, nắm bắt cơ hội thị trường, hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược phát triển. Ngân hàng cũng sẽ cơ cấu lại danh mục tín dụng, tăng tỷ trọng phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, bán lẻ; phát triển các chuỗi liên kết, cung cấp tổng thể giải pháp dịch vụ tài chính cho từng khách hàng/nhóm khách hàng; nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, chất lượng tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh…
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng năm 2020 vẫn sẽ ở mức thấp như năm 2019, vì thế các ngân hàng không thể dựa mãi vào tín dụng để tăng trưởng. Mảng cho vay bán lẻ đang đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng chính ở hầu hết các ngân hàng và dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy tín dụng nói chung trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, bancassurance (bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng) được dự báo sẽ giúp nhiều nhà băng cải thiện lợi nhuận, không chỉ từ phí trả trước của đối tác bảo hiểm mà còn từ khả năng phân phối dịch vụ bảo hiểm tới tệp khách hàng của ngân hàng đó.
Thanh Hoa