Tại buổi gặp mặt cuối năm với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, đối tác song phương, đa phương và các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định trong năm 2018, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ dưới 16%.
Tăng trưởng thấp nhất 4 năm
So sánh với những dự đoán trước đó của giới chuyên gia và một số đánh giá, nhận định của NHNN thì không có gì ngạc nhiên, dù mức tăng trưởng này không đạt chỉ tiêu 17% đề ra hồi đầu năm.
Đặc biệt, đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây của ngành ngân hàng Việt Nam.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng năm 2015 ghi nhận ở con số 17,29%; năm 2016 đạt 18,71% và năm 2017 đạt 18,17%.
Theo dõi nhịp độ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay có thể thấy tốc độ tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do thị trường tiền tệ, tín dụng chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới. Vì vậy, ngay từ đầu năm, NHNN đã có chủ trương "siết" tín dụng.
Bên cạnh việc kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khẳng định ổn định tài chính, duy trì huyết mạch của nền kinh tế là điều kiện then chốt cho ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, lạm phát tăng bình quân 3,59% trong 11 tháng đầu năm, cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc đảm bảo mục tiêu lạm phát dưới 4% mà Chính phủ đề ra từ đầu năm. Lãi suất được duy trì ở mức thấp, tỷ giá và thị trường vàng được duy trì ổn định, giúp tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân.
Ngoài ra, lượng dự trữ ngoại hối được tích lũy cao ở mức kỷ lục trong năm 2018, cho thấy lòng tin vào chính sách của Chính phủ và NHNN đã và đang được củng cố, hỗ trợ cho các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế.
Nhận định về con số tăng trưởng tín dụng trong năm nay, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng mức tăng trưởng tín dụng khoảng 16% là khá hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt và lạm phát được giữ ổn định.
"Năm nay, với mục tiêu lạm phát không quá 4% và tăng trưởng GDP đã gần 7%, việc siết tín dụng để ổn định nền kinh tế là thỏa đáng. Do đó, dự báo tăng trưởng tín dụng dưới 16% cho cả năm nay là phù hợp với cách điều hành chính sách tiền tệ của NHNN", Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngành ngân hàng nói.
Không quan trọng con số
Một số chuyên gia cho rằng tăng trưởng tín dụng không chỉ quan trọng ở con số mà còn cần chú trọng đến chất lượng tín dụng, quản lý rủi ro.
Ông Hiếu phân tích, khi tín dụng tăng trưởng chậm lại có hai điểm lợi: Thứ nhất, tạo ra thanh khoản tốt khi huy động cao hơn tín dụng sẽ có thể hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất. Thứ hai, các ngân hàng không đổ quá nhiều tiền vào hai lĩnh vực rủi ro là bất động sản và chứng khoán.
Công bố con số dự kiến tăng trưởng tín dụng trong năm nay, Thống đốc NHNN cũng khẳng định tín dụng đang ưu tiên tập trung vào các ngành sản xuất, chế biến chế tạo.
Thực tế, ngay từ đầu năm, NHNN ban hành một số thông tư, văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Thống đốc NHNN yêu cầu hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Đặc biệt, thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản đảm bảo để có biện pháp xử lý thích hợp.
Theo các chuyên gia, quan trọng nhất vẫn là tín dụng tăng trưởng phù hợp với nhu cầu vốn của nền kinh tế. "Riêng với những lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi đều đã có kế hoạch và các ngân hàng thương mại vẫn luôn đảm bảo thanh khoản cho những ưu tiên này", đại diện NHNN cho biết.
Hầu hết các dự báo gần đây về tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 đều nhận định sẽ tiếp tục giảm tốc, chỉ ở mức 14 – 15% do rủi ro lạm phát và tỷ giá vẫn đang có xu hướng tăng. Cùng với đó, chủ trương gia tăng về chất lượng tín dụng thay vì số lượng cũng khiến ngân hàng tiếp tục siết nguồn vốn cho vay.
Một quy định khác sắp có hiệu lực nữa là việc áp dụng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020, theo đó các ngân hàng muốn đẩy mạnh phát triển kinh doanh thì phải gia tăng được vốn tự có đảm bảo tương ứng.
Với bối cảnh tăng vốn hiện nay vẫn rất khó khăn, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nói chung và tăng trưởng tín dụng nói riêng cho giai đoạn tới.
Huyền Anh