Theo thống kê sơ bộ của NHNN, tính đến ngày 27/12, tăng trưởng tín dụng đạt 13%, huy động vốn 6% so với cuối năm 2021. Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng chưa chạm tới hạn mức (room) tín dụng cũ (14%) và còn cách xa room tín dụng mới (15,5-16%) sau khi NHNN nới thêm 1,5% - 2%.
Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng gấp đôi huy động vốn năm 2022, NHNN sẽ có định hướng ra sao cho tăng trưởng tín dụng năm 2023?
Cân nhắc thận trọng
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho hay, mặc dù lạm phát bình quân của Việt Nam năm 2022 khả năng dưới 4% nhưng lạm phát lõi cơ bản tăng nhanh và có dấu hiệu đáng quan ngại.
Trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 của NHNN là không thể chủ quan với lạm phát. |
Cụ thể, lạm phát lõi tháng 1/2022 chỉ tăng 0,66% nhưng tháng 11 đã tăng hơn 4,82% và tháng 12 này có thể tăng hơn 5% (dự báo) - mức tăng cao nhất 10 năm qua, gây sức ép lớn tới lạm phát năm 2023.
Thêm vào đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay chiếm gần 190% GDP), tác động của kinh tế thế giới với Việt Nam rất mạnh trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến vẫn tăng lãi suất trong năm 2023 và duy trì mặt bằng lãi suất cao cho đến năm 2024.
“Với nền kinh tế có độ mở cao như vậy, áp lực lên tỷ giá rất lớn. Do đó, chỉ tiêu tín dụng năm 2023 được NHNN cân nhắc thận trọng. Quan điểm xuyên suốt của NHNN là cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát”, ông Quang khẳng định.
Theo NHNN, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ đòn bẩy tín dụng cao nhất thế giới (tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP lên tới 124%). Với tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm kéo dài trong thời gian tới thì tín dụng luôn tăng trưởng gấp đôi GDP, khiến tỷ lệ đòn bẩy tín dụng càng tăng cao, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.
Vì vậy, trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 của NHNN là không thể chủ quan với lạm phát. Đồng thời, Luật NHNN quy định rất rõ, là phải kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định của đồng tiền. Đây là mục tiêu xuyên suốt quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
“Do đó, tất cả các định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 cũng phải theo mục tiêu xuyên suốt đó là kiểm soát lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường, đặc biệt là sự bền vững, an toàn của các tổ chức tín dụng”, ông Quang nhấn mạnh.
Giảm lãi suất cần nỗ lực lớn
Tại tọa đàm “Dự báo kinh tế - Vượt cơn gió ngược 2023” mới đây, các chuyên gia đã dự báo, dòng tiền đang chịu áp lực lớn. Tổng cung tiền trong nền kinh tế đi ngang và giảm nhẹ cả năm qua. "Đây là hiện tượng chưa bao giờ xuất hiện trong 20 năm qua. Trong khi đó, tăng trưởng cung tiền cần 12 - 13% để nền kinh tế tăng trưởng", ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty dữ liệu WiGroup cho hay.
Tuy nhiên, CEO WiGroup nhận định, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023. Lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần. Khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm, là "ánh sáng cuối đường hầm" của một năm 2023 nhiều khó khăn.
TS Đinh Thế Hiển cũng nhận định kinh tế Việt Nam sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý 3 trở đi với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ.
"Lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý I, quý II và sẽ phục hồi tăng vào quý III.
Về lãi suất, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang, sang năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái lớn. Dự báo Fed còn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất trong năm 2023 và duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối 2024. Như vậy, mặt bằng lạm phát cao và lãi suất cao còn tiếp tục duy trì, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu còn cao. Tuy mức độ và tác động dữ dội, nhanh, mạnh sẽ không như năm 2022 nhưng mức độ tác động đến nền kinh tế còn dai dẳng trong năm 2023.
Trong nước, lạm phát lõi có dấu hiệu đáng quan ngại, mức tăng liên tục, mạnh. Lạm phát cơ bản tháng 12 dự báo tăng trên 5,2%, điều này tạo mặt bằng lạm phát lớn cho năm 2023. Lạm phát vòng 2 với yếu tố phi tiền tệ đối với lạm phát trong năm 2023. Đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều này thể hiện sức ép lạm phát rất lớn, định hướng điều hành chính sách tiền tệ đối với 2023 là không thể chủ quan với lạm phát.
“Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ khách hàng”, ông Quang cho hay.
Huyền Anh