Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang có sự tăng trưởng nhanh hơn các lĩnh vực khác. (Ảnh: Internet) |
Đây là con số được Ngân hàng Nhà nước thông tin tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, được tổ chức mới đây. Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành một Nghị định riêng về vấn đề tín dụng, đồng thời ngành ngân hàng cũng sẽ chủ động rà soát, củng cố lại hệ thông cho vay tiêu dùng trong toàn ngành, đảm bảo lãi suất hợp lý và góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Đại diện cho 4.000 hộ chăn nuôi lợn vùng Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, bày tỏ khó khăn của bà con nông dân trước dịch tả lợn châu Phi.
Trả lời về chính sách tín dụng hỗ trợ nông dân thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, ông Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, chính sách của Chính phủ đã có nhiều khoản tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ người dân không có khả năng trả nợ, nếu sự việc xảy ra với quy mô lớn thì có thể tính đến việc xoá nợ.
Về phía ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tất cả các chi nhánh khoanh nợ, kéo dài các khoản nợ tạo điều kiện cho người dân, trong đó có người dân bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi có điều kiện tái đàn, khôi phục sản xuất.
Liên quan đến câu hỏi của nông dân Nguyễn Hữu Hà về tín dụng cho công nghệ cao, Phó Thống đốc cho biết cuối năm 2016, Thủ tướng giao cho ngành ngân hàng triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng để tập trung cho vay tín dụng công nghệ cao. Trước chỉ đạo của Thủ tướng, ngành ngân hàng đã nhận thức đây là vấn đề cực kỳ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp đó, ngày 7/3/2017, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định để chỉ đạo về việc này, và ngay sau đó, ngành ngân hàng có văn bản quyết liệt triển khai chủ trương của Chính phủ, đồng thời cam kết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất ưu đãi theo chỉ đạo của Thủ tướng.
"Đây là gói tín dụng lớn nhất từ trước đến nay và đã có 8 ngân hàng thương mại sẵn sàng cho vay gói này", ông Tú khẳng định.
Về lãi suất, gói cho vay này giảm so với lãi suất cho vay thông thường, kể cả ngắn và trung, dài hạn, từ 1-1,5%, căn cứ trên những quy định của Bộ NN&PTNT về dự án, chương trình ứng dụng công nghệ cao, nhằm đảm bảo đúng đối tượng ưu đãi. Đến nay, với chính sách ưu đãi như vậy thì đã có doanh số là 53.000 tỷ đồng, dư nợ 38.000 tỷ đồng cho 17.000 khách hàng vay vốn liên quan ứng dụng công nghệ cao; trong đó tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 90%.
Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng ngân hàng của cả nước là khoảng 8 triệu tỷ đồng, riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 2 triệu tỷ đồng, chiếm 25%. Như vậy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ưu tiên tập trung vốn tín dụng một cách tích cực và nhanh hơn các lĩnh vực khác.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm, xuất phát từ Hội nghị đối thoại của Thủ tướng lần thứ nhất ở Hải Dương, ngay từ đầu năm đã có hội nghị triển khai phòng chống tín dụng đen để giúp bà con nhận diện thực chất nhận diện tín dụng đen một cách cụ thể. Sau đó, một số ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng NN&PTNT đã có gói vay 5.000 tỷ đồng tập trung cho vay tiêu dùng với nhận thức tín dụng đen có địa bàn hoạt động được khi mà tín dụng chính thức chưa làm tốt, chính vì thế, khi người dân được tiếp cận tín dụng chính thức một cách dễ dàng, thuận lợi thì sẽ hạn chế được tín dụng đen.
Đến nay, theo chủ trương này, ngành ngân hàng đã triển khai cho vay được khoảng 3.000 tỷ đồng cho rất nhiều hộ. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang triển khai thí điểm chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội cho đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa cho vay người nghèo và cho vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý.
Huyền Anh