Trước tình hình tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, tại cuộc họp về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và hấp thụ vốn của nền kinh tế, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất các giải pháp đồng bộ, khả thi. Phân tách các nhóm giải pháp liên quan đến trách nhiệm NHNN, các tổ chức tín dụng, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến vay vốn, tăng tín dụng.
Tín dụng tăng trưởng âm 0,4%
So với mục tiêu 14% của NHNN, đến thời điểm hết tháng 7/2023, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt chưa được 1/3 mục tiêu, trong khi thời gian còn lại của năm chỉ còn chưa đầy 5 tháng.
Còn nhớ, thời điểm này năm 2022, tín dụng tăng 9,62% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của NHNN không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14%, mà tín dụng tăng thấp, rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, yếu hơn đáng kể so với năm ngoái.
So với mục tiêu 14% của NHNN, đến thời điểm hết tháng 7/2023, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt chưa được 1/3 mục tiêu, trong khi thời gian còn lại của năm chỉ còn 5 tháng. |
Có thể nói, tín dụng ngân hàng đóng góp rất lớn vào nền kinh tế. Theo phân tích của các chuyên gia, tín dụng tăng thấp, phản ánh đầu tư doanh nghiệp tư nhân nội địa thấp trong khi đóng góp của khu vực này cho GDP lên tới 40%, ngang với khu vực kinh tế nhà nước, và cao hơn gần gấp đôi khu vực doanh nghiệp FDI.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam đánh giá, đứng trước tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp như hiện nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng không kém phần sốt ruột bởi họ phải huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền, nên việc không cho vay được sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập.
Hơn nữa, cho tới nay, lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc lớn vào thu nhập lãi thuần đến từ hoạt động huy động vốn và cho vay, nên tín dụng tăng trưởng chậm đồng nghĩa với việc quy mô nguồn thu nhập chính của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì lẽ đó, hơn ai hết, các TCTD đều đang nỗ lực để tăng trưởng tín dụng, đưa vốn tín dụng trở lại thị trường.
Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng thì tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức NHNN đã giao. Nhóm ngân hàng cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần thì đang được khoảng 50% so với mức được giao. Như vậy cả 2 nhóm này chiếm khoảng 91% thị phần tín dụng, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm.
Các chuyên gia dự báo, nền kinh tế Việt Nam đã bước vào nửa cuối năm 2023 với những dấu hiệu khởi sắc, kỳ vọng về sự phục hồi tích cực hơn. Dễ thấy nhất là sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng trở lại cũng đồng nghĩa với xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tích cực hơn; tăng trưởng từ dịch vụ, du lịch ngày càng khả quan… Cùng với hàng loạt động thái hỗ trợ tăng trưởng tín dụng vừa được NHNN ban hành như: giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận vốn, phân bổ hết hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng… Tất cả những yếu tố này được kỳ vọng sẽ giúp tín dụng sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.
Cạnh tranh tín dụng giữa các ngân hàng sẽ trở nên gay gắt hơn?
Để tín dụng đạt được mục tiêu đề ra, không chỉ giảm lãi suất, NHNN đã điều chỉnh nới room tín dụng cho 11 NHTM lên mức 11% - 24%. Tuy vậy, theo các chuyên gia, không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng từ nay đến cuối năm, bởi cạnh tranh tín dụng giữa các ngân hàng sẽ trở nên gay gắt hơn do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.
Nhìn vào báo cáo tài chính quý II/2023 của các ngân hàng có thể thấy, những nhà băng có tăng trưởng tín dụng vượt trội so với toàn ngành như: HDBank (9,3%), MB (10,6%), MSB (12,7%), Techcombank (9,7%), và VPBank (10,1%) là do các ngân hàng nêu trên có tập khách hàng doanh nghiệp lớn do đó tăng trưởng tín dụng tốt hơn khi nhu cầu vốn của nhóm khách hàng này cao trong nửa đầu năm.
Trong khi đó, có những ngân hàng chủ động tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu do nhu cầu tín dụng bán lẻ thấp đồng thời ưu tiên cho các nâng cao chất lượng tài sản và quan sát thị trường.
Về hiệu quả của việc giảm lãi suất, ông Ketut Ariadi Kusuma - chuyên gia cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính cạnh tranh và sáng tạo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, kiến nghị NHNN xem xét lại hiệu quả của trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên, như doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và nông nghiệp.
"Mặc dù trần lãi suất nhằm mục tiêu giữ cho các khoản vay ở mức hợp lý đối với các lĩnh vực này, nhưng nó có thể phản tác dụng vì người cho vay có thể hạn chế cung cấp các khoản vay cho các lĩnh vực này do rủi ro không được bù đắp", ông Ketut Ariadi Kusuma đề cập.
Đối với những người đi vay nhỏ như trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và lĩnh vực nông nghiệp - những lĩnh vực mà nhiều ngân hàng coi là quá rủi ro, thì sự hỗ trợ của Chính phủ có thể rất quan trọng, vì có thể cung cấp các đảm bảo bảo vệ các ngân hàng trước những rủi ro đó. Do đó, ông đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét giới thiệu một công cụ chia sẻ rủi ro/giảm thiểu rủi ro hiệu quả và xem xét các biện pháp/cơ sở hiện có với các mục tiêu tương tự.
Hơn nữa, nâng cao chất lượng thông tin và chấm điểm tín dụng của người đi vay sẽ hữu ích cho các ngân hàng trong việc đánh giá rủi ro của người đi vay, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân.
Trước tình hình tín dụng ì ạch, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao NHNN phân tích, đánh giá cụ thể tình hình và kết quả điều hành tín dụng trong 7 tháng đầu năm, làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của việc tăng trưởng tín dụng ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2022 và các năm trước.
Ông Khái yêu cầu NHNN thành lập ngay tổ công tác làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để tổng hợp, xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo NHNN nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các quy định, thủ tục liên quan đến cấp tín dụng, điều kiện vay vốn, bao gồm cả các quy định tại thông tư số 06/2023.
Huyền Anh