Số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố đến cuối tháng 2, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi từ dân cư tăng 159.600 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 3,01% so với cuối năm 2021.
Tính đến cuối tháng 2/2022, tăng trưởng tiền gửi từ dân cư tăng 159.600 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 3,01% so với cuối năm 2021. |
Với mức tăng gần 160.000 tỷ đồng này, tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đã đạt gần 5,5 triệu tỷ đồng. Thậm chí mức tăng tiền gửi cư dân trong 2 tháng đầu năm nay còn cao hơn mức tăng trong cả năm 2021 (158.600 tỷ đồng).
Việc tiền gửi của người dân tăng mạnh ngay trong tháng 1 là điều hiếm thấy vì đây cũng là tháng cao điểm người dân cần tiền mặt để chi tiêu trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán. Những năm trước, phải sau dịp Tết, bắt đầu từ tháng 2-tháng 3 thì tiền nhàn rỗi trong dân mới quay về hệ thống ngân hàng. Nguyên nhân có thể do các nhà băng đã đẩy mạnh thu hút tiền gửi từ tháng 12/2021 đến nay, bằng việc tăng lãi suất huy động dành cho các khách hàng cá nhân và tung nhiều chương trình ưu đãi dành cho người gửi tiết kiệm.
Trong khi đó, tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp cuối tháng 2 đạt hơn 5,63 triệu tỷ đồng, giảm hơn 8.800 tỷ so với cuối năm 2021. Nguyên nhân có thể do yếu tố mùa vụ, trong tháng 1, nhiều doanh nghiệp phải rút tiền để chi thực hiện chi trả lương, thưởng cuối năm âm lịch cho người lao động khiến tiền gửi tháng này "bốc hơi" hơn 68 nghìn tỷ đồng.
Sang tháng 2, tiền gửi của doanh nghiệp quay trở lại hệ thống, tuy nhiên mức tăng 59 nghìn tỷ không đủ “bù đắp” cho khoản tiền gửi doanh nghiệp đã “hụt” trong tháng 1 trước đó.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dòng tiền nhàn rỗi của cư dân đang quay trở lại ngân hàng, bởi lẽ gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, có mức sinh lời tốt do mức lãi suất tiền gửi vẫn đang thực dương khá lớn so với lạm phát. Song song, các ngân hàng đang tung hàng loạt chương trình ưu đãi để tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) như miễn phí giao dịch, miễn phí quản lý tài khoản...
Theo dõi thị trường có thể thấy, kể từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tiếp được điều chỉnh, đa phần theo xu hướng tăng lên đối với nhiều kỳ hạn và áp dụng cho cả phương thức tiền gửi tại quầy lẫn tiền gửi online.
Hiện tại, nhiều ngân hàng có lãi suất khá cao trên 7% như: Techcombank đang dẫn đầu với 7,8%/năm. Tiếp sau đó là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 7,6%/năm, NamABank 7,4%/năm. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), MSB hay VietCapitalBank cũng có mức lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm...
Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tiền từ vài trăm tỷ đồng trở lên.
Báo cáo từ Phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (EVS) cho thấy lãi suất huy động đã nhích lên đáng kể so với mặt bằng chung năm 2021 với mức trung bình từ 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng; từ 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 13-24 tháng.
Trong khi đó, công ty chứng khoán VnDirect kỳ vọng lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhẹ 0,3 – 0,5 điểm % vào năm 2022.
Một số chuyên gia cho rằng xu hướng tăng lãi suất huy động có thể do thanh khoản ở một số ngân hàng eo hẹp hơn do nhu cầu tín dụng tăng cao. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I, tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 5%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%).
Thanh khoản hệ thống có phần căng thẳng hơn trong thời gian vừa qua cũng được thể hiện rõ nhất ở chỉ báo lãi suất VND liên ngân hàng duy trì ổn định ở mức cao hơn gấp 3 - 5 lần so với năm trước. Lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm ngày 15/4 ở mức 2,11%/năm, 1 tuần: 2,17%/năm, 2 tuần: 2,52%/năm, 1 tháng: 2,51%/năm, 3 tháng: 2,74%/năm, 6 tháng: 3,82%/năm. Doanh số giao dịch của các ngân hàng cũng tăng mạnh, như kỳ hạn qua đêm lên 183.649 tỷ đồng, 1 tuần lên 15.847 tỷ đồng, 1 tháng lên 5.689 tỷ đồng…
Huyền Anh