Sự biến thiên này không còn quá hiếm hoi trong những năm vừa qua. Do đó, nhiều nhà đầu tư thường có thói quen chờ đợi báo cáo kiểm toán chính thức rồi mới quyết định đầu tư.
Lệch pha lỗ lãi sau kiểm toán
Sau kiểm toán, một số nhà băng giảm lãi, từ tăng trưởng lợi nhuận dương sang âm và tỷ lệ nợ xấu cũng “đội” lên.
Đáng chú ý nhất là ABBank, sau khi kiểm toán, lãi sau thuế giảm và tỷ lệ nợ xấu tăng vọt. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ còn 436 tỷ đồng, giảm 89 tỷ đồng, tương đương 17,1% so với con số gần 526 tỷ đồng theo báo cáo tự lập trước đó. Nguyên nhân do thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên. Cụ thể tại báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II/2019, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hơn 25 tỷ đồng, tương đương 4,6% tổng lợi nhuận trước thuế, còn theo BCTC soát xét thì lên đến 114,5 tỷ đồng, xấp xỉ 20% lợi nhuận trước thuế.
Nếu so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của ABBank cũng giảm 7,4%, trong đó giảm mạnh nhất là lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 51%, chỉ còn 177 tỷ đồng, trong khi lãi từ kinh doanh ngoại hối và lãi từ dịch vụ cũng giảm tương ứng 32,4% và 15,9%. Như vậy, có thể thấy các khoản thu nhập ngoài lãi sụt giảm mạnh là nguyên nhân chính kéo lợi nhuận của ABBank giảm so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, kiểm toán cũng điều chỉnh phân loại nợ của ABBank (tăng nợ nhóm 2 đến nợ nhóm 5) dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ gần 1,88% lên 2,28%, nên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng 16,5% lên hơn 290 tỷ đồng.
Tương tự như ABBank, lãi sau thuế của SeABank do công ty Deloitte Việt Nam kiểm toán đã bị giảm từ 377 tỷ đồng xuống 321 tỷ đồng (giảm 15%) bởi điều chỉnh tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng với đó, lợi nhuận cũng giảm gần 15%.
Ngoài ra, lợi nhuận của một số ngân hàng cũng vơi đi sau kiểm toán như VietABank giảm 12,6% và BIDV giảm 1,4%…
Ngược lại với các nhà băng “bốc hơi” lợi nhuận sau kiểm toán, “nồi cơm” của nhiều nhà băng lại đầy hơn sau khi các công ty kiểm toán vào cuộc. Theo báo cáo kiểm toán bởi công ty KPMG Việt Nam, lợi nhuận sau thuế của SHB tăng 5% từ 1.248 tỷ đồng trước soát xét lên 1.309 tỷ đồng.
Với việc điều chỉnh lại cơ cấu nợ, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng giảm từ 2,92% xuống 2,88%. Eximbank (mã: EIB) ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng tăng 17% so với con số ngân hàng công bố, đạt gần 763 tỷ đồng, theo báo cáo kiểm toán bởi công ty KPMG Việt Nam.
Lợi nhuận của BIDV giảm 1,4% sau kiểm toán |
Vô tình hay cố ý?
Theo các chuyên gia, việc công bố BCTC là bắt buộc đối với các doanh nghiệp niêm yết nhằm cung cấp cho thị trường, nhà đầu tư một cái nhìn chính xác và minh bạch về “sức khoẻ” của doanh nghiệp đó. Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư, việc biết được tình trạng của doanh nghiệp là mấu chốt để có thể đưa ra quyết định đầu tư hay không.
Thế nhưng, từ nhiều năm nay, sau khi so sánh với BCTC đã kiểm toán, tình trạng chênh lệch kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn luôn hiện hữu. Việc chênh lệch đó dù là vì lý do gì, dù vô tình hay hữu ý thì vẫn sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào tính minh bạch của doanh nghiệp, sự bền vững của thị trường chứng khoán.
Vấn đề quan trọng được quan tâm ở đây là nguyên nhân của việc chênh lệch đó được giải thích như thế nào? Hầu hết các ngân hàng cho rằng sự “hiểu nhầm” hoặc cách tính, cách hạch toán khác nhau là nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau giữa báo cáo tự lập và báo cáo được kiểm toán. Sai sót hay gặp nhất thường xảy ra ở cách tính mức thuế thu nhập doanh nghiệp, điều chỉnh thu nhập về lãi thuần, kinh doanh ngoại hối, hoạt động khác.
Dưới góc nhìn một chuyên gia tài chính, ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Ernst&Young Việt Nam, cho biết: “Tính tự giác tuân thủ các quy định về lập BCTC của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Một số doanh nghiệp lập các báo cáo vì quy định như thế, thay vì nghĩ thấu đáo là nhà đầu tư cần những thông tin gì, trách nhiệm là người được ủy thác tài sản của các nhà đầu tư phải báo cáo như thế nào”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nhà đầu tư băn khoăn là có hay không việc doanh nghiệp cố ý che giấu các con số tài chính quan trọng với mục đích riêng.
Một nhà đầu tư cho rằng: “Dù xuất phát từ sự vô tình hay cố ý làm sai lệch BCTC cũng đều gây biến động tới giá cổ phiếu, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư. Do đó, cần có biện pháp xử lý với những trường hợp doanh nghiệp liên tục có sai lệch về số liệu sau kiểm toán. Còn đối với doanh nghiệp cố tình công bố các con số tài chính sai quy định trong báo cáo tự lập để tư lợi cần có chế tài đủ mạnh đủ sức răn đe”.
Huyền Anh