Dự thảo sửa đổi Thông tư 01 đã được NHNN được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trong suốt mấy tháng qua nhưng vẫn chưa thể ban hành, vì có nhiều ý kiến trái chiều và còn một số vướng mắc về cơ chế. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Tại Công văn số 19/HHNH-PLNV báo cáo việc góp ý vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, các ngân hàng thương mại đều thống nhất và đánh giá cao việc sửa đổi Thông tư 01. Tuy nhiên, còn một số nội dung phải chỉnh sửa cho phù hợp.
Theo đó, tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 có quy định TCTD sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng điều kiện "Phát sinh nghĩa vụ trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính".
Các ngân hàng cho rằng, việc NHNN lấy mốc ngày 10/6/2020 là ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội nhưng thực tế cho thấy đó không phải là ngày Thủ tướng công bố hết dịch. "Hơn nữa lấy mốc ngày 10/6/2020 sẽ khó khăn cho các TCTD trong việc theo dõi và hạch toán kế toán. Vì vậy, đề nghị NHNN có thể điều chỉnh thành trước ngày 30/6/2020 để phù hợp với chế độ hạch toán kế toán của khách hàng cũng như của ngân hàng", VNBA nêu rõ trong công văn.
Đối với quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4, VNBA kiến nghị, cần cân nhắc đưa ra mốc thời gian từ ngày 21/3/2020 đến ngày 31/3/2021. Bởi theo cảnh báo của WHO, đại dịch Covid-19 trong năm 2021 còn đáng lo ngại hơn năm 2020. Mặc dù Việt Nam đang kiểm soát được dịch bệnh, nhưng không có nghĩa Việt Nam hết dịch bệnh và cũng chưa có cơ sở nào cho thấy đến ngày 31/3/2021 hết dịch.
Để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai, tránh phải sửa đổi nhiều lần trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm ngày 31/3/2021, các ngân hàng đề nghị NHNN nên giữ nguyên thời điểm như Thông tư 01 hoặc cẩn trọng hơn thì cho đến ngày 31/12/2021.
Về "Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ..." tại Điểm b Khoản 3 Điều 4, VNBA đề nghị NHNN giữ nguyên như tại Thông tư 01, vì thực hiện theo Thông tư sửa đổi thì các khoản vay trung, dài hạn sẽ tạo áp lực cho khách hàng, khi các kỳ hạn chưa trả trước đó sau khi cơ cấu sẽ phải phân kỳ trả nợ trong vòng 12 tháng tiếp theo. Qua đó, khách hàng khó có khả năng trả nợ đúng hạn vì cho dù hết dịch bệnh thì khách hàng cần phải có thời gian khá dài để phục hồi, không thể phục hồi ngay mà trả nợ ngân hàng. Hơn nữa, rất khó khăn cho TCTD theo dõi, thực hiện theo Thông tư sửa đổi và Thông tư 01 đang áp dụng.
Bên cạnh đó, VNBA cũng kiến nghị nên quy định giao trách nhiệm cho TCTD đánh giá phân loại rủi ro đối với các khoản nợ có nguy cơ rủi ro thực sự đối với khoản nợ đã cơ cấu để trích dự phòng rủi ro theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02) quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro.
Lý do, theo VNBA, không ai hiểu tính chất khoản nợ bằng TCTD, nên giao cho TCTD tự xác định và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình và trích tối đa trong 3 năm, đồng thời phải báo cáo NHNN hàng tháng kết quả phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
Ngoài ra, VNBA cho rằng quy định "giữ nguyên nhóm nợ, phân loại nợ trích lập dự phòng rủi ro" sẽ dẫn tới việc khách hàng gặp khó khăn trong cho vay mới trong điều kiện TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro. Không loại trừ khả năng khó thực hiện, các TCTD sẽ áp dụng luôn Thông tư 02 và lúc đó khách hàng sẽ phản ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Vì vậy, VNBA góp ý NHNN cần nghiên cứu ban hành Thông tư sửa đổi vừa để an toàn hệ thống, đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa dễ cho TCTD thực hiện và khách hàng có thể tiếp cận được vốn vay.
Hiện nay, một số ngân hàng đã tạm ngưng triển khai Thông tư 01 do hết hiệu lực, trong khi đó, Thông tư được đưa ra sửa đổi đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do có nhiều ý kiến khác nhau.
TH