Ngân hàng Nhà nước cho biết gần đây doanh nghiệp đã có tín hiệu phục hồi tích cực sau dịch Covid-19. (Ảnh: Int) |
Trong năm 2020, NHNN đã ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đến cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 335 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.
Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400 nghìn khách hàng.
Dù con số hỗ trợ được ngân hàng công bố rất lớn, nhưng so với số lượng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch chưa thấm tháp vào đâu. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhưng vẫn chưa được hỗ trợ do chưa đáp ứng điều kiện của ngân hàng.
Mặt khác, bước sang năm 2021, Thông tư 01 sẽ hết hiệu lực, nhiều doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" vì đã hết hạn lấy ý kiến đã lâu nhưng thông tư sửa đổi thông tư 01 chưa được ban hành.
Nếu thông tư không được ban hành kịp thời, doanh nghiệp lo sẽ bị liệt vào "danh sách đen" nợ quá hạn, sẽ không thể tiếp tục vay vốn. "Mỗi doanh nghiệp thường có quan hệ vài ngân hàng khác nhau, song chỉ cần 1 khoản nợ được khoanh chưa trả, các ngân hàng khác cũng không cho vay. Vì vậy, song song với giãn thời gian xử lý nợ, ngân hàng vẫn cân nhắc cơ chế cho doanh nghiệp tiếp cận vốn mới, như vậy mới hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi", một doanh nghiệp kiến nghị.
Thực tế, không chỉ doanh nghiệp, nhiều nhà băng cho hay cũng đã rất "sốt ruột" ngóng văn bản sửa đổi Thông tư 01 được ban hành. Bởi nếu đến 30/1/2021 NHNN chưa ban hành Thông tư nói trên, thì trong cả tháng 1/2021, các TCTD sẽ phải hạch toán phân loại các nhóm nợ theo quy định thông thường.
Về đề xuất sửa đổi Thông tư này, có ngân hàng kiến nghị sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian trích lập dự phòng xử lý các khoản nợ được cơ cấu hết năm 2021, nếu dịch Covid-19 được đẩy lùi, thì hết năm nay sẽ kết thúc. Nếu không, lại mở thêm thời gian. Tuy nhiên có nhà băng kiến nghị nên chấm dứt sớm Thông tư này, bởi điều này sẽ giúp các ngân hàng vận dụng nguồn lực tự có, xử lý các khoản nợ phù hợp, tiếp tục lành mạnh hóa tổ chức…
Trước thực tế đó, ông Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã hoàn tất việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư 01/2020/TT-NHNN sửa đổi và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tuần này.
Phó Thống đốc cho biết, quan điểm sửa đổi Thông tư 01 là phải đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những khó khăn của dịch bệnh, bão lũ cũng như những khó khăn đột xuất trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, việc chia sẻ dựa trên nguồn lực của ngân hàng thương mại, dưới dự chỉ đạo Chính phủ và NHNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn của hệ thống. Thông tư 01 cũng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại thực hiện các chương trình hỗ trợ phù hợp với điều kiện năng lực của từng ngân hàng.
Chính vì vậy thông tư 01 sẽ được xác định một cách hợp lý trong vấn đề cơ cấu lãi các khoản nợ, thời điểm, thời gian, đối tượng và trong đó cũng xác định những khoản trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng nhưng cũng bảo đảm các khoản trích lập này phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng.
"Sẽ có quy định trích lập trong một thời điểm nào đó, ví dụ trong 3 năm để có thể có thời gian xử lý trích lập cho khoản vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngân hàng. Đây là quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài Chính và thông tư sửa đổi thông tư 01 sẽ sớm ra đời", ông Tú nói thêm.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, gần đây các khoản nợ phải cơ cấu theo thông tư 01 đã có dấu hiệu giảm, đặc biệt các khoản vay ngắn hạn. Đây chính là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi sau dịch.
Huyền Anh