Chỉ trong một thời gian ngắn, công ty Modern Tech đã kêu gọi được 32.000 người đổ 15.000 tỷ đồng vào dự án tiền ảo iFan. Sau khi góp vốn, các nhà đầu tư không được công ty trả vốn, lãi._
Các chuyên gia nhận định trong khi chờ cơ quan quản lý hoàn thiện khung pháp lý để quản lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo thì cơ hội đòi lại tiền của các nhà đầu tư là vô cùng mong manh.
Không nên cấm kinh doanh tiền ảo
Sức hấp dẫn của tiền ảo đang khiến các nhà đầu tư trên toàn thế giới đổ xô vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, đây là một loại hình còn mới mẻ, do vậy việc đón nhận hoạt động tiền ảo đang được phân thành ba quan điểm.
Một số quốc gia chấp nhận tiền ảo như một loại hình kinh doanh, cho phép mua bán và thanh toán bằng tiền ảo như: Nhật, Singapore, Mỹ… Tuy nhiên, các nước này đã ban hành một hành lang pháp lý cụ thể để quản lý.
Trong khi đó, nhiều nước không chấp nhận tiền ảo như một phương thức thanh toán như: Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng đã có những biện pháp quản lý chặt chẽ.
Một số nước như Việt Nam ứng xử với tiền ảo một cách “trung lập”, nghĩa là không cấm cũng không cho phép. Theo các chuyên gia, quan điểm này không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước do không thu được thuế, rửa tiền…, mà khi tiền ảo biến tướng sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và những rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Điển hình như Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo iFan giống như một loại cổ phiếu có giá trị nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, công ty này lại phát hành ra đồng tiền số iFan để huy động vốn.
Hay bằng cách tổ chức hội thảo giới thiệu dự án ứng dụng nghệ sĩ để thanh toán các album ca nhạc của các ca sĩ nổi tiếng; dùng iFan để thanh toán tiền điện, nước tại Việt Nam và sẽ có thẻ Visa tiền điện tử cho mọi người… Công ty này đã huy động được số tiền lên đến 15.000 tỷ đồng.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng không nên cấm kinh doanh tiền ảo. Thay vào đó có thể lựa chọn hai cách. Thứ nhất, nếu xem tiền ảo như một sản phẩm đầu tư như vàng hay trái phiếu Chính phủ, khi đó cần thành lập sàn giao dịch, trong đó Nhà nước nắm quyền quản lý và người dân có quyền mua và sở hữu tiền ảo nhưng không được phép dùng để thanh toán cho các loại sản phẩm dịch vụ.
Cách thứ hai, nếu xem tiền ảo là hàng hóa đặc biệt thì phải đặt vấn đề quản lý các cá nhân giao dịch tiền ảo có phát sinh lợi nhuận phải nộp thuế thu nhập.
Bộ Tư pháp hiện đang nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, đồng bộ, thống nhất về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trên cơ sở góp ý của Bộ Tài chính, TT&TT và Ngân hàng Nhà nước |
“Lệnh” siết chặt tiền ảo
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty Luật Basico, cho rằng Bitcoin nói riêng và các đồng tiền kỹ thuật số nói chung là sản phẩm tài chính vô cùng phức tạp và khó quản lý. Tuy vậy, dù khó đến mấy vẫn có cách để kiểm soát nếu có sự kết hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành._
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị 10/CT-TTg “lệnh” 6 Bộ ngành siết chặt quản lý Bitcoin và các loại tiền ảo.
Theo đó, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước và các UBND các tỉnh, thành phối hợp tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động kinh doanh tiền ảo.
Đặc biệt, theo Chỉ thị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển_đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế.
Mặt khác, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo, các tổ chức có hoạt động xử lý giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo và có biện pháp xử lý đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và quản lý ngoại hối.
Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết Bộ này hiện đang nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, đồng bộ, thống nhất về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trên cơ sở góp ý của Bộ Tài chính, TT&TT và Ngân hàng Nhà nước về nội dung này.
Huyền Anh