Có thể nói, trong nhóm những ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu từ cuối năm 2011, dường như số phận của PGBank có vẻ lận đận nhất trong việc tìm kiếm được “hôn sự” cho mình.
Thông tin sáp nhập của PGBank đã rộ lên từ năm 2014 với những đồn đoán sẽ “về chung một nhà” với VietinBank.
Lận đận “hôn sự”
Thời điểm đó, tại ĐHCĐ của VietinBank cũng đã trình cổ đông kế hoạch này. Theo đó, PGBank sẽ là đơn vị thành viên trực thuộc VietinBank, theo mô hình ngân hàng trong ngân hàng và vẫn giữ nguyên hình thức tổ chức bộ máy, lĩnh vực hoạt động và thương hiệu PGBank.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, việc sáp nhập vẫn chưa thể hoàn thành, nguyên nhân được lãnh đạo hai nhà băng này cho biết là do vướng thủ tục và chưa nhận được sự chấp thuận từ cấp có thẩm quyền.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, VietinBank cho biết thương vụ sáp nhập chưa diễn ra theo kế hoạch do cơ quan quản lý yêu cầu VietinBank rà soát, cập nhật lại kết quả đánh giá cổ phiếu PGBank. Đồng thời tính toán, đàm phán lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa các bên.
Tuy nhiên, mới đây, tại ĐHCĐ năm 2018, VietinBank đã chính thức thông qua phương án tăng vốn và hủy kế hoạch sáp nhập với PGBank. Ngay sau khi VietinBank rút lui, một số ngân hàng khác cũng “để mắt” tới PGBank.
Tại ĐHCĐ 2018 của MBBank cho biết đã nghiên cứu một số đơn vị có triển vọng trở thành đối tác mua bán và sáp nhập (M&A), trong đó có PGBank đang trong quá trình đàm phán, chưa có một thỏa thuận cuối cùng nào.
Ngoài VietinBank và MB, gần đây thị trường còn có thông tin PGBank đang được tìm hiểu bởi_một đối tác khác có sự tương đồng về nhiều mặt, đó là HDBank.
Thông tin này đã chính thức được hai ngân hàng khẳng định tại ĐHCĐ ngày 21/4 vừa qua, trong đó đáng lưu ý là cả hai nhà băng này đều trình cổ đông nội dung đề án sáp nhập PGBank vào HDBank.
Theo đó, 100% cổ đông PGBank đã đồng ý sáp nhập vào HDBank. Trong khi đó, phía HDBank có 94,28% cổ đông đồng thuận.
Theo đề án, việc sáp nhập sẽ được hai ngân hàng triển khai ngay trong tháng 4, tháng 7 sẽ tiến hành hoán đổi cổ phiếu với tỷ lệ 1:0,621 và tháng 8 sẽ hoàn tất việc sáp nhập.
Khả năng PGBank có thể “nên duyên” với HDBank_đã gần như chắc chắn. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ của HDBank, điều khiến cổ đông quan tâm là nợ xấu của ngân hàng này sẽ được xử lý ra sao?
Thực tế, kể từ khi bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, tình hình “sức khỏe” của PGBank rất đáng ngại, thậm chí từ năm 2011 – 2014, PGBank không công bố báo cáo tài chính định kỳ.
PGBank đã được cải thiện, tình hình xử lý nợ xấu có chuyển biến tích cực và lượng tiền gửi tăng lên |
Nợ xấu có đáng lo?
Tuy nhiên, những năm gần đây, “sức khỏe” của PGBank đã được cải thiện, tình hình xử lý nợ xấu có chuyển biến tích cực và lượng tiền gửi tăng lên.
Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ nợ xấu trên nội bảng của PGBank có hơn 600 tỷ đồng và nợ xấu bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là hơn 2.200 tỷ đồng.
Trong đó, trích lập dự phòng rủi ro khoản nợ đã bán cho VAMC là 880 tỷ đồng và PGBank đã tự xử lý được hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, có đến 80% khoản nợ PGBank đã bán cho VAMC có tài sản đảm bảo, khả năng thu hồi lên đến 1.400 tỷ đồng. Đồng thời, HDBank cho biết nợ nội bảng của PGBank cũng có tài sản đảm bảo đầy đủ, nên khả năng thu hồi lớn.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, cho rằng nợ xấu sau sáp nhập PGBank khả năng được xử lý rất lớn, không ảnh hưởng tới hoạt động của HDBank.
“Sau sáp nhập thêm PGBank, HDBank sẽ mở rộng hệ sinh thái từ hệ thống bán lẻ đến hệ thống siêu thị, cửa hàng xăng dầu, hàng không… Còn vấn đề nợ xấu của PGBank sẽ xử lý sau sáp nhập là không đáng ngại”, bà Thảo cho biết._
Tại ĐHCĐ, HĐQT HDBank đã trình cổ đông phương án sáp nhập. Theo đó, trong tháng 4 này, HDBank sẽ hoàn thiện hồ sơ chấp thuận nguyên tắc trình NHNN chấp thuận.
Tháng 5, dự kiến NHNN sẽ chấp thuận nguyên tắc và nộp hồ sơ chào bán cổ phần ra công chúng lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tháng 6, dự kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận chào bán và Thống đốc NHNN ra quyết định sáp nhập.
Tháng 7, HDBank và PGBank chốt danh sách cổ đông thực hiện phân phối và hoán đổi cổ phiếu. Tháng 8, hai ngân hàng hoàn tất sáp nhập.
HĐQT HDBank dự kiến ngay sau sáp nhập, năm 2018, vốn điều lệ của HDBank là 12.809 tỷ đồng (trong đó, vốn điều lệ của HDBank tính đến ngày 31/12/2017 là 9.809 tỷ đồng, vốn điều lệ của PGBank là 3.000 tỷ đồng).
Tổng tài sản của ngân hàng sau sáp nhập dự kiến đạt 267.256 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 17.762 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế là 3.887 tỷ đồng; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) hợp nhất là 12,3%. Dự kiến tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông là 12%.
Huyền Anh