Được coi là phương thức tiện ích nhất hiện nay, thanh toán điện tử đã và đang phát triển hết sức mạnh mẽ trên thế giới. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tổng chi tiêu qua thanh toán trực tuyến chiếm từ 10 - 30% tổng tiêu dùng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường thanh toán trực tuyến đạt chưa được 1% so với tiềm năn.
Lê Huy Tường, Giám đốc Công ty Cổ phần và Thương mại dịch vụ trực tuyến OnePAY
Vì sao thanh toán điện tử tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp cung cấp cũng như các doanh nghiệp, khách hàng sử dụng dịch vụ?
Theo kinh nghiệm của OnePAY thì các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết đã biết về thanh toán điện tử cùng những lợi ích mang lại. Thậm chí, một số doanh nghiệp có kiến thức về dịch vụ hơn cả các nhà cung cấp mới tham gia thị trường. Lý do triển khai thanh toán điện tử vẫn chưa được chú trọng là do các nguyên nhân đến từ nhu cầu thị trường. Tiêu dùng trong dân chúng tại Việt Nam chủ yếu vẫn là tiền mặt và người dân chuộng phương thức giao hàng nhận tiền hơn là thanh toán trước và nhận hàng sau. Để phát triển thị trường thanh toán điện tử, OnePAY đặc biệt đánh giá cao vai trò chỉ đạo của Nhà nước, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và sự quan tâm của hệ thống ngân hàng thương mại. Về phía OnePAY và các đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến, chúng tôi sẽ thúc đẩy bằng các chính sách giá, chính sách chăm sóc khách hàng tốt hơn so với phương thức truyền thống.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tấn công vào thị trường dịch vụ thanh toán trực tuyến. Thế mạnh của OnePay là gì, và Công ty dựa vào đâu để có thể cạnh tranh?
Với 3 năm triển khai dịch vụ cho gần 200 doanh nghiệp, thế mạnh của OnePAY chính là nhà cung cấp dịch vụ uy tín và có nhiều kinh nghiệm triển khai nhất. Chúng tôi hiểu rõ khó khăn của các doanh nghiệp khi triển khai thanh toán trực tuyến. Nhờ đó, đội ngũ nhân viên của OnePAY sẵn sàng tư vấn và cung cấp đủ kiến thức cho doanh nghiệp hoàn thiện kênh thương mại điện tử như: chính sách bán hàng; quy định trong kinh doanh trực tuyến; kiến thức về thẻ và thanh toán thẻ; quản lý rủi ro trong thương mại điện tử; nghiệp vụ tra soát và hóa đơn, chứng từ điện tử… Doanh nghiệp triển khai sẽ được đào tạo các kiến thức liên quan đến vận hành hệ thống thanh toán và được hỗ trợ 24/7 trong suốt thời gian vận hành. Các khóa đào tạo cung cấp thông tin chính thống từ các tổ chức thẻ quốc tế như MasterCard, Visa…
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam triển khai có thể lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ quốc tế hoặc trong nước. Một số nhà cung cấp quốc tế được lựa chọn phổ biến trên thế giới như PayPal, 2CheckOut, WorldPay... nhưng doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn để kết nối dịch vụ và không được chấp nhận loại thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM). Trong nước, có một số công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trong nước cũng đã tham gia vào thị trường thanh toán cùng OnePAY từ năm 2009. Tuy nhiên, với uy tín dẫn đầu ngành cùng kinh nghiệm thực tế, OnePAY vẫn là sự lựa chọn số một của các doanh nghiệp trong thời điểm năm 2010.
Ông có thể cho biết giá trị giao dịch qua cổng thanh toán trực tuyến của OnePay trong năm 2009? Tốc độ tăng trưởng bình quân dịch vụ thanh toán trực tuyến của Công ty qua các năm?
Trong năm 2009, tháng đạt giá trị cao nhất qua cổng thanh toán của OnePAY lên tới trên 50 tỷ đồng. Cả năm 2009 đạt trên 500 tỷ đồng, với gần 200.000 giao dịch. Tốc độ tăng trưởng đơn vị chấp nhận thẻ đạt 100%, tăng trưởng doanh số thanh toán đạt trên 20%.
Ông đánh giá như thế nào về xu hướng thanh toán trực tuyến thời gian sắp tới tại Việt Nam?
Thanh toán trực tuyến tại Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn khởi động. Qua tỷ lệ tăng trưởng doanh số tháng đều đạt trên 20% của cổng thanh toán OnePAY trong 3 năm gần đây, có thể nhận định rằng người tiêu dùng đang tích cực làm quen với phương thức thanh toán mới này. Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, thanh toán trực tuyến vẫn theo đà thu hút các doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia nhờ các tiện ích mang lại.
Với xu hướng như vậy, OnePay đặt ra mục tiêu và kế hoạch kinh doanh trong năm 2010 và thời gian sắp tới như thế nào?
Trong năm nay, OnePAY sẽ hoàn thành kết nối với các ngân hàng trong nước như BIDV, Đông Á, VIB, MB... để mở rộng phạm vi chấp nhận loại thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM) cho đơn vị chấp nhận thẻ và chủ thẻ. Việc chính thức có văn phòng đại diện của OnePAY tại thành phố Hồ Chí Minh từ cuối năm 2009 cũng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho OnePAY tiếp xúc với các doanh nghiệp tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước này. Chúng tôi đặt ra mục tiêu đạt con số 400 đơn vị chấp nhận thẻ trong năm 2010, đạt tốc độ tăng trưởng đơn vị chấp nhận thẻ 100%; tốc độ tăng trưởng doanh số tháng tiếp tục vượt 20%.
Đăng Dũng thực hiện