Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen, ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền khoảng 117 tỷ đồng.
Tăng tín dụng khu vực nông thôn
Theo đánh giá của NHNN, khu vực nông nghiệp nông thôn có nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng cao, số lượng các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng cho vay sang địa bàn này ngày một tăng kịp thời cung cấp vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen.
Tính đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Hiện có khoảng 70 TCTD, mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn.
Đặc biệt, tại một số ngân hàng cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng mạnh như: Agribank chiếm gần 70% (tổng dư nợ 1 triệu tỷ đồng); Ngân hàng Chính sách Xã hội dành 94% nguồn vốn cho vay nông nghiệp nông thôn, trong đó 96% cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh sinh viên…
Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho biết ngân hàng này hiện dành 41% tín dụng cho sản xuất kinh doanh, 33% nhà ở và 10% cho tiêu dùng thông thường. Tổng tín dụng bán lẻ đạt 300 nghìn tỷ đồng, riêng lĩnh vực tiêu dùng là 32 nghìn tỷ đồng, trong đó địa bàn nông nghiệp nông thôn là 18 nghìn tỷ, chiếm 56% tín dụng tiêu dùng.
Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân ở khu vực nông thôn khoảng 107 nghìn tỷ đồng, chiếm 87% tổng nợ cho vay sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng tăng của nhóm khách hàng vùng nông thôn, ngành ngân hàng đã nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp hai lần mức cho vay tối đa cũ.
Các ngân hàng sẽ gia tăng và mở rộng các kênh cung ứng vốn cho khu vực nông thôn |
Vẫn khó cho vay
Cụ thể, đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tăng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn tăng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.
Đánh giá về tình trạng tín dụng đen, ông Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết tội phạm tín dụng đen thường núp dưới vỏ bọc cơ sở kinh doanh, cầm đồ, các công ty tài chính được cấp phép hoạt động trá hình, hoặc các cá nhân, cơ sở huy động và cho vay bất hợp pháp, góp vốn dưới hình thức chơi họ…
Đối tượng đi vay đa phần là hộ nghèo, sinh viên, học sinh… có khó khăn đột xuất về vốn và nhu cầu vay vốn cho tiêu dùng, hoặc một số đối tượng chơi cờ bạc, lô đề…
Số liệu thống kê, riêng năm 2018 có 84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 1.309 cướp tài sản liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp, đặc biệt mấy năm gần đây len lỏi vào các vùng sâu vùng xa, các đối tượng cho vay tín dụng đen thường lách luật, không ghi mức lãi suất. Thậm chí có các gói vay rất ngắn, theo ngày, tuần, tháng. Vì thế có người vay ban đầu chỉ là 5 triệu nhưng vài tháng sau có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Để hạn chế tình trạng tín dụng đen tại vùng nông thôn, đại diện một số ngân hàng cho biết, trong năm 2019 sẽ nâng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng ở khu vực nông thôn so với năm 2018.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết trong cơ cấu tín dụng hàng năm, Agribank tiếp tục ưu tiên cho đối tượng sản xuất kinh doanh và 10% (tương đương khoảng 10-20 nghìn tỷ) cho đối tượng tiêu dùng.
Dự kiến năm 2019, Agribank sẽ dành 12 nghìn tỷ đồng cho nhu cầu tín dụng tiêu dùng, trong đó dành 5 nghìn tỷ cho đối tượng tiêu dùng cấp bách được pháp luật cho phép và chứng minh được nguồn trả nợ trong thời gian ngắn ngày.
"Agribank sẽ tập trung cải tiến hồ sơ và giải quyết nhu cầu một cách nhanh nhất, góp phần thực hiện việc hạn chế tín dụng đen", ông Vượng nói.
BIDV cũng dự kiến dành 10-12 nghìn tỷ đồng để cho khách hàng khu vực này vay vốn trong năm 2019.
Tuy nhiên, đại diện BIDV cho rằng cơ hội được tiếp cận thông tin về vay vốn của khách hàng cá nhân ở khu vực nông thôn có những khó khăn nhất định. Dù số lượng các TCTD gia tăng ở khu vực này, song do tài sản đảm bảo, giá trị tài sản đảm bảo, pháp lý tài sản đảm bảo của khách hàng chưa chặt chẽ đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn.
Ngoài ra, nguồn thu nhập của khách hàng khó chứng minh, chưa chuẩn mực về số liệu nên khi các ngân hàng đánh giá còn hạn chế, gây khó khăn cho việc cấp vốn cho khu vực này.
Huyền Anh