Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2018 của SCB tăng 92% |
Tính đến 31/12/2018, dư nợ tín dụng của SCB đạt 301.892 tỷ đồng với mức tăng trưởng ròng đạt 35.391 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tăng trưởng 13,3% so với năm 2017. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu của SCB luôn được duy trì ở mức rất thấp so với quy định, lần lượt là 0,61% và 0,42% vào cuối năm 2018.
Tính đến 31/12/2018, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế tăng 65.234 tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng 18,4% so với cuối năm 2017, đưa quy mô huy động thị trường 1 của SCB đạt 419.046 tỷ đồng.
Năm 2018 cũng là năm ghi nhận những bước tiến ấn tượng trong cơ cấu sản phẩm của SCB với việc bổ sung sản phẩm huy động mới “Chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn”. Tuy chỉ mới được triển khai từ ngày 15/05/2018 nhưng sản phẩm đã thu hút hơn 24.000 khách hàng tham gia với tổng huy động đạt gần 20.000 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng huy động năm 2018 của SCB.
Ngoài ra, các khoản thu nhập từ hoạt động phi tín dụng cũng có đóng góp lớn vào tổng thu nhập hoạt động của SCB trong năm 2018. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 92% so với năm 2017, đạt 886 tỷ đồng. Các mảng thu phí chính như Bảo hiểm, Thẻ và Ngân hàng điện tử, Thanh toán quốc tế ghi nhận những kết quả tăng trưởng tích cực, minh chứng cho định hướng chiến lược đúng đắn của SCB trong việc chuyển đổi cơ cấu tài chính với trọng tâm là mô hình kinh doanh đa dịch vụ.
Kết quả kinh doanh năm 2018 ghi nhận lợi nhuận trước thuế của SCB đạt 196 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước. Lợi nhuận của SCB có phần khiêm tốn so với quy mô của ngân hàng là do trong năm qua SCB đã cân đối nguồn lực để trích lập 2.162 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Cũng trong năm qua, SCB tiếp tục nâng cao nền tảng công nghệ nhằm tăng cường công tác an toàn bảo mật và gia tăng tiện ích cho khách hàng. SCB đã nâng cấp thành công hệ thống Ngân hàng lõi (Core Banking) - phiên bản mới nhất Flexcube 12.4 của Oracle và triển khai thành công dự án Treasury- Fis Front Arena. Hiện nay, SCB là một trong những Ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam vận hành hệ thống Treasury theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của SCB trong việc đem công nghệ chuẩn quốc tế áp dụng vào các hoạt động của Ngân hàng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng vị thế của SCB trên thị trường tài chính.
H.C