Trao đổi với VnBusiness, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng đánh giá, đây thực sự là thông tin vui với thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam. Dịch bệnh Covid-19 đang làm tăng nợ xấu tại các ngân hàng, nên việc giải quyết nợ xấu lại càng khẩn trương. Hơn nữa, tới nay, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua đã thực thi được hơn 4 năm và sắp hết hiệu lực (tháng 8/2022), sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng là rất lớn.
![]() |
Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu nội bảng các ngân hàng đã tăng lên khoảng 2%, tổng cộng nợ xấu toàn nền kinh tế bao gồm cả nợ tiềm ẩn và nợ đã bán cho VAMC vọt lên hơn 8%. Ảnh: Int |
Ngoài ra, thực tế việc xử lý nợ xấu tại nước ta cho thấy, việc mua bán nợ xấu chỉ diễn ra chủ yếu với Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hoặc giữa các công ty mua bán nợ (AMC) của từng ngân hàng. Trong đó, với VAMC, việc mua bán nợ thực tế chỉ ở trên sổ sách, VAMC chỉ trả bằng trái phiếu có kỳ hạn giúp các ngân hàng “làm đẹp” các khoản nợ, sau đó các ngân hàng vẫn phải tự xử lý. Nên có thể nói cách thức này chỉ là chuyển đổi khoản nợ. Vấn đề nữa là có nhiều khoản nợ được các ngân hàng rao bán cho nhau, qua các AMC. Nhưng nhiều nhà đầu tư khác cũng muốn mua nợ, kể cả nhà đầu tư nước ngoài
“Vì thế, việc sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động sẽ giúp nhiều thành phần cùng tham gia, giúp hoạt động mua bán nợ theo đúng cơ chế kinh tế thị trường – thuận mua vừa bán”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn Việt Nam, Công ty Jones Lang LaSalle Vietnam (JLL) cho biết, hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các món nợ xấu là bất động sản tại ngân hàng. Nhưng do thiếu hành lang pháp lý và những rào cản về quy trình khiến bên mua và bên bán chưa “gặp" được nhau. Tuy nhiên, nếu nay thông qua sàn, nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn.
Thực tế, trong thời gian qua không khó để nhận ra xu hướng rao bán tài sản thế chấp để xử lý và thu hồi nợ xấu đang ngày càng được đẩy mạnh khi thông báo phát mại tài sản liên tục xuất hiện dày đặc trên trang web của các ngân hàng thời gian qua, thậm chí có nhiều tài sản được rao bán đến cả chục lần.
Điển hình như BIDV rao bán Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP.HCM với giá 535 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Đến nay, mức giá giảm còn 356 tỷ đồng nhưng vẫn chưa có ai mua, trong khi trên thị trường, các vị trí đất vàng không còn nhiều.
Hay như khối tài sản gồm máy móc thiết bị của Công ty CP Thúy Đạt cũng được rao bán đến lần thứ 40, với giá khởi điểm là hơn 7 tỷ đồng.
Không riêng gì BIDV, nhiều ngân hàng khác cũng rao bán các khoản nợ xấu đến hàng chục lần và giá bán giảm hàng chục phần trăm so với thời điểm ban đầu nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư.
Phó tổng giám đốc phụ trách xử lý nợ của một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, thời gian qua, các ngân hàng rao bán rất nhiều khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo đi kèm khá đa dạng từ bất động sản đến nhà xưởng, máy móc, thiết bị, thậm chí cả cả những món hàng tiêu dùng từ vài trăm nghìn đồng… Nhưng do chưa có sàn giao dịch mua bán nợ nên việc mua bán vẫn khá ế ẩm, nhiều tài sản rao bán hàng chục lần vẫn chưa tìm được người mua.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết, sàn giao dịch nợ xấu được thành lập vào thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều hoạt động kinh tế, ngân hàng nói chung bị trì hoãn.
Nhiệm vụ của Sàn giao dịch nợ là trở thành trung tâm môi giới, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản đảm bảo của các khoản nợ. Các giao dịch của Sàn giao dịch nợ phải luôn đảm bảo công khai, minh bạch và khách quan theo đúng quy định của pháp luật.
Mới đây, Chính phủ có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tới Quốc hội. Theo đó, báo cáo cho biết, tính đến cuối năm tháng 6/2021, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ lệ 3,66% so với tổng dư nợ. Nếu tính thêm các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này là 7,21%. Báo cáo đánh giá, trong khi nợ xấu có nguy cơ tăng cao vì Covid-19 thì Nghị quyết 42 lại sắp hết hiệu lực sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, VAMC, cũng như quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Vì vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét ban hành Luật riêng quy định về xử lý nợ xấu ngoài tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42 còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định mà thực tiễn triển khai gặp nhiều vướng mắc, đồng thời tăng quyền cho các tổ chức tín dụng. |
Thanh Hoa