Rất nhiều cái tên đã lỗi hẹn lên sàn trong năm 2017. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong mùa ĐHCĐ năm nay, vấn đề không chỉ được cổ đông mà cả giới đầu tư quan tâm nhiều nhất chính là kế hoạch tăng vốn và niêm yết của các ngân hàng, bởi đây là những thông tin có tác động mạnh lên giá cổ phiếu “vua”, nhất là khi nhóm cổ phiếu này đã có một năm 2017 tăng trưởng ấn tượng.
“Nóng” chuyện lên sàn
Nổ phát súng đầu tiên trong mùa đại hội của các tổ chức tín dụng năm nay, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa tổ chức ĐHCĐ thường niên. Đúng như dự đoán của giới chuyên gia trước đó, bước vào phần thảo luận, câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất đó là năm nay ngân hàng có lên kế hoạch niêm yết sau khi đã lỡ hẹn năm 2017.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT, cho biết thời điểm 2017 chưa thích hợp để niêm yết. “2018 sẽ là thời điểm phù hợp để niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thời điểm cụ thể sẽ xem xét sao cho tốt nhất với cổ đông”, ông Hùng Anh khẳng định.
Một số cái tên khác cũng khiến nhà đầu tư không khỏi chờ đợi khi lên sàn thời gian tới như: TPBank, OCB, Maritimebank, SaiGonBank… trong đó có ngân hàng đã hoàn tất thủ tục lên sàn.
Từ cuối tháng 12/2017, TPBank đã nộp hồ sơ lên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE). Với vốn điều lệ 5.842 tỷ đồng và 299,2 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức, TPBank đăng ký niêm yết 555 triệu cổ phiếu. Mặc dù chưa có thông tin cụ thể về thời gian, nhưng đây hẳn sẽ là vấn đề nóng của ngân hàng này.
OCB dù không chia sẻ nhiều, nhưng hiện nay, nhà băng này đang chuẩn bị cho ĐHCĐ 2018, trong đó kế hoạch lên sàn trong năm nay sẽ được đề cập tại đại hội. Dự kiến, OCB sẽ xúc tiến kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE vào quý III/2018.
Nhìn lại thị trường cổ phiếu ngân hàng trong năm 2017 có thể thấy bước tăng trưởng ngoạn mục, đa số cổ phiếu đang niếm yết có mức tăng giá trên dưới 40% như HDBank, VPBank tăng trên 40%, thậm chí cổ phiếu một số ngân hàng có giá bèo như: NCB,…
Kế hoạch chi trả cổ tức cũng được nhiều cổ đông quan tâm bởi năm vừa qua, lợi nhuận của hầu hết các nhà băng đều tăng, nợ xấu giảm, trích lập dự phòng rủi ro cũng đạt ngưỡng đảm bảo.
Trong mùa ĐHCĐ năm nay, vấn đề không chỉ được cổ đông mà cả giới đầu tư quan tâm nhiều nhất chính là kế hoạch tăng vốn và niêm yết của các ngân hàng.
Cổ đông kỳ vọng chi trả cổ tức
Sau 7 năm không chi trả cổ tức, tại ĐHCĐ thường niên năm 2018 mới đây, HĐQT Techcombank lại tiếp tục công bố trình cổ đông giữ lại lợi nhuận để thực hiện tăng vốn tự có, vốn cổ phần của ngân hàng theo quy định pháp luật, dù mức lợi nhuận trước thuế của nhà băng này tiếp tục tăng 24% so với năm trước, lên 10.000 tỷ đồng. Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của ngân hàng này cũng được đặt ra ở mức cao vượt trội so với năm 2017.
Theo lãnh đạo Techcombank, ngân hàng này không chia cổ tức nhằm đảm bảo được mức độ phát triển khoảng 10-20%. Theo tiêu chuẩn Basel 2, để có khả năng đầu tư thêm dư nợ thì ngân hàng phải có mức vốn chủ sở hữu cao.
Năm 2017, Techcombank tăng khoảng 16% về dư nợ, nếu theo chuẩn Basel 2 tăng gần 9%. So với mức tối thiểu theo basel 2 là 8%, hệ số an toàn (CAR) của TCB vào khoảng 9%.
Ngoài ra, một số ngân hàng đang để ngỏ kế hoạch chi trả cổ tức như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank. Trong kế hoạch chuẩn bị cho mùa ĐHCĐ năm nay, có nhiều nhà băng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt như HDBank dự kiến chia cổ tức 25 – 30%.
VPBank, VIB những năm gần đây thường dẫn đầu hệ thống về tỷ lệ chi trả cổ tức, năm nay vẫn duy trì được “thành tích này”, nhưng con số cụ thể sẽ được trình tại đại hội. LienVietPostBank đã công bố nâng tỷ lệ trả cổ tức năm nay dự kiến 15%.
Nhiều ngân hàng khác có mức tăng trưởng vượt bậc trong năm qua cũng được cổ đông kỳ vọng nhận cổ tức.
Ông Nguyễn Công Minh, một cổ đông ngân hàng Eximbank, bày tỏ: “Đầu năm nay, các cổ đông nhận được kết quả kinh doanh khởi sắc của ngân hàng nên cũng kỳ vọng sẽ được trả một phần nhỏ cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, mới đây vụ việc mất tiền của khách hàng với số lượng lớn như vậy, liệu ngân hàng có chi trả cổ tức cho cổ đông nữa không”.
Còn cổ đông của Maritimebank thì tin tưởng năm nay nhà băng này sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông. Bà Bùi Hà Hiền- một cổ đông – chia sẻ: “Với việc kinh doanh năm 2017 vượt chi tiêu, chắc chắn năm nay, Maritimebank sẽ tiếp tục chi trả cổ tức, tỷ lệ chia có thể cao hơn mức năm ngoái là lên 7-10%”. Sau 5 năm không chia cổ tức, năm 2017 nhà băng này đã chi trả cổ tức theo tỷ lệ chia ở mức 5%.
Huyền Anh