Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, năm 2020, tín dụng bất động sản tăng 12,06%, năm 2021 tăng 13,55% thì năm 2022 tăng tới 24,27%, đạt dư nợ 2,58 triệu tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng dư nợ. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Trong đó chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng/tự sử dụng: Kinh doanh BĐS tăng 11,5%, chiếm tỷ trọng 31,28%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 31,1%, chiếm tỷ trọng 68,72%.
Hội nghị tín dụng bất động sản quy tụ 20 tập đoàn bất động sản lớn trên cả nước. |
Theo phân khúc, dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, nhà ở xã hội 0,71%, nhu cầu khác là 13,77%. Như vậy, có thể thấy hiện nay các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực BĐS với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn. Đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi thì được TCTD cho vay theo đúng quy định.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, BĐS là lĩnh vực có đóng góp lớn cho nền kinh tế. Thời gian qua, thị trường xuất hiện mất cân đối cung cầu, dư thừa phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp, xảy ra tình trạng sốt đất cục bộ, sai phạm của một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp dẫn tới khủng hoảng mất niềm tin trên thị trường này… Tuy vậy, không có chuyện ngành ngân hàng siết tín dụng với lĩnh vực BĐS.
Phó Thống đốc nhấn mạnh: Thực tế, năm qua có những doanh nghiệp BĐS tăng tín dụng tới hơn 300%, có những tập đoàn tăng 68-70%, trong khi tín dụng bình quân chung toàn nền kinh tế chỉ tăng 13-14%.
“Một số doanh nghiệp, hiệp hội nói NHNN siết chặt tín dụng BĐS, nhưng tôi khẳng định lại, NHNN chưa có văn bản hay tuyên bố nào siết chặt tín dụng BĐS. NHNN chỉ ban hành văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số phân khúc có rủi ro cao trong BĐS, có tính đầu cơ, các dự án lớn có nguy cơ dẫn tới bong bóng, có thể dẫn tới rủi ro an toàn hệ thống. Còn tín dụng BĐS phục vụ người mua nhà được xem bình đẳng như những lĩnh vực khác của nền kinh tế, không có hạn chế nào”, Phó Thống đốc khẳng định.
Thời gian qua, NHNN đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường BĐS cũng như tín dụng BĐS, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội (đã dành 3.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi với tín dụng nhà ở xã hội). NHNN đã ban hành thông tư hướng dẫn và chỉ đạo các TCTD để 2% tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội (đạt 104 nghìn tỷ đồng), giúp Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có ưu đãi nhà ở xã hội…
Về nợ xấu BĐS, đang có dấu hiệu tăng. Năm 2021, nợ xấu BĐS chỉ chiếm 1,67% thì năm 2022 đã tăng lên 1,81%. Thêm vào đó, các TCTD hiện nay đang gặp khó khăn về cơ cấu kỳ hạn khi 90% khoản vay BĐS có kỳ hạn 15-20 năm, còn 80% vốn huy động của ngân hàng lại là kỳ hạn ngắn. Có nghĩa ngân hàng phải đối mặt với rủi ro kỳ hạn rất cao. Ngoài ra, hiện nay, tín dụng BĐS đang tập trung tại một số TCTD, một số nhóm khách hàng đầu tư dàn trải, có nhiều dự án rủi ro.
Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp BĐS, tổ chức, cá nhân khi tiếp cận tín dụng, góp phần phát triển thị trường BĐS lành mạnh trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp như: tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, trong đó có lĩnh vực BĐS.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế trong đó có lĩnh vực BĐS, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.
Đặc biệt, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung; kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD
Đồng thời, tiếp tục rà soát và phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của các TCTD, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh; khó khăn vướng mắc của thị trường BĐS tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý (chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường), trình tự thủ tục đầu tư, về nguồn vốn trái phiếu. Do đó, để tháo gỡ các khó khăn, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, NHNN cho rằng rất cần sự quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các Bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp.
Huyền Anh