Tại khoản 2 Điều 27, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế đưa ra quy định ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản (theo định kỳ) của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan thuế, đang gây ra phản ứng mạnh mẽ từ dư luận.
Ngân hàng lo phạm luật
Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, các ngân hàng thương mại không có trách nhiệm phải cung cấp định kỳ thông tin về giao dịch của các cá nhân kinh doanh qua mạng. Chỉ có viện kiểm sát, tòa án, cơ quan công an đang điều tra vụ án có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng.
Tuy nhiên, gần đây, hình thức kinh doanh trực tuyến bùng nổ, nhiều cá nhân có doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhưng lại “quên” kê khai nộp thuế.
Để khắc phục tình trạng thất thu ngân sách nhà nước, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đưa vào quy định các ngân hàng thương mại có sự phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định này sẽ gây khó cho các ngân hàng, bởi phạm vi cung cấp thông tin không rõ ràng sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục, có thể vi phạm quy định về bảo mật thông tin của ngân hàng với khách hàng.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại chia sẻ, hiện nay, ngành ngân hàng đang lưu trữ thông tin hàng triệu tài khoản cá nhân của khách hàng. Vì vậy, nếu phải cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, lịch sử giao dịch… định kỳ cho ngành thuế sẽ là áp lực đối với các ngân hàng. Hơn nữa, để thực hiện yêu cầu của cơ quan thuế, các ngân hàng phải dành riêng một bộ phận để thống kê, do khối lượng công việc rất lớn nên sẽ gây tốn kém.
Ngoài ra, một số ngân hàng còn lo ngại, hầu như tất cả thông tin về khách hàng như: ngày tháng năm sinh, số điện thoại, email, thông tin tài khoản ngân hàng… đều được các ngân hàng lưu trữ trên không gian mạng.
Trong khi đó, Luật An toàn thông tin mạng tại Điều 17, Khoản 1, điểm c quy định: “Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Chiếu theo Luật An toàn thông tin mạng, việc ngân hàng cung cấp thông tin cá nhân khách hàng sẽ vi phạm luật.
Thực tế, việc bảo mật thông tin tài khoản cá nhân khách hàng không chỉ là trách nhiệm, mà còn tác động đến niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng đó.
“Vì vậy, việc sửa đổi luật cần phải tính toán hài hòa, phù hợp với các luật khác, không nên để ngân hàng là đơn vị đứng giữa chịu thiệt”, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần kiến nghị.
![]() |
Các ngân hàng đều coi trọng bảo mật thông tin tài khoản cá nhân khách |
Không thể cung cấp đại trà
Không chỉ ngành ngân hàng, các doanh nghiệp và luật sư cũng cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng đến quyền tài sản của tổ chức, cá nhân, thậm chí bất khả thi.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản hồi dự thảo Luật chưa bảo đảm tính minh bạch, vì không quy định rõ ràng trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì.
“Nếu quy định mở như dự thảo luật thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế”, VCCI nhấn mạnh.
Trong khi đó, Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc công ty Luật Inteco cho rằng, hoạt động thương mại điện tử khá đa dạng và có xu hướng thay đổi liên tục. Nếu Luật Quản lý thuế sửa đổi yêu cầu ngân hàng thực hiện việc khấu trừ, trích nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn là điều bất khả thi, bởi ngân hàng không thể nhận diện, phân biệt được lý do và mục đích của dòng tiền chảy qua tài khoản khách hàng, đặc biệt là tài khoản của cá nhân.
Có thể nói, hầu hết các ý kiến từ ngân hàng, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và các luật sư đều khẳng định, việc yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin, phối hợp để quản lý thuế là cần thiết.
Tuy nhiên, để tránh việc tùy tiện khi áp dụng luật, dự thảo luật cần xác định rõ phạm vi cung cấp thông tin phù hợp, trách nhiệm phối hợp của ngân hàng ở mức độ phù hợp hơn thay vì gắn toàn bộ trách nhiệm nặng nề cho ngân hàng.
VCCI đề xuất, Ban soạn thảo dự thảo Luật Quản lý thuế xem xét và chỉnh sửa để thống nhất với quy định của pháp luật ngân hàng.
Còn các ngân hàng kiến nghị, Luật Quản lý thuế sửa đổi cần quy định rõ ràng ngân hàng sẽ cung cấp thông tin khách hàng ở mức độ nào đủ để ngành thuế có thể kiểm soát được việc thu thuế, nhưng vẫn đảm bảo được an toàn thông tin cá nhân của khách hàng.
Thanh Hoa