Tại buổi lễ Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra vào sáng nay (12/10), nhiều doanh nghiệp tiếp tục bày tỏ mong muốn chính sách tài khoá ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn và nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng.
Doanh nghiệp mong Chính phủ sớm có các quyết sách quyết liệt về trung và dài hạn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhằm giảm việc mất khả năng thanh khoản, kích thích tiêu dùng trong nước…
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà kiến nghị: “Tôi cho rằng, cần ổn định chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. Chính sách tài khoá cần thực hiện có trọng tâm”.
Cụ thể, ông Sơn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, cơ cấu nợ cho doanh nghiệp… Hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp có thị trường mới để nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm. Đào tạo lại lực lượng lao động để lao động đáp ứng được nhu cầu cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh mới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. |
Liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của mọi chính sách và hệ thống ngân hàng luôn quán triệt quan điểm này của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Thống đốc, sứ mệnh quan trọng nhất của Ngân hàng Nhà nước là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chủ động cho các doanh nghiệp thiết kế kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ. Trong 9 tháng qua, các cơ quan đã phối hợp triển khai chính sách tiền tệ, tài khóa hài hòa và hợp lý, giữ được ổn định vĩ mô trong bối cảnh có nhiều tác động bất lợi. Điều này thể hiện ở lạm phát thấp, thị trường tiền tệ, tỷ giá, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm…
Khi doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch bệnh thì Ngân hàng Nhà nước vào cuộc rất quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng, các nghị quyết của Chính phủ, ban hành ngay thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Từ năm 2020 tới nay, riêng về khoản miễn phí khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm và ước lượng tổng hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng lên tới khoảng 60.000 tỷ đồng cho cộng đồng doanh nghiệp. Các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước được các tổ chức quốc tế đánh giá là phù hợp xu thế quốc tế.
“Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo xây dựng chương trình hồi phục và phát triển kinh tế xã hội. Ngân hàng Nhà nước nhận thức được những khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ như áp lực lạm phát từ bên ngoài, khả năng phát sinh nợ xấu”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian tới, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhưng đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô…, và “đề nghị các doanh nghiệp cũng hết sức chia sẻ với hệ thống ngân hàng trong quá trình này”.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các nghị quyết, nghị định, quyết định về các giải pháp giãn, hoãn, tiền thuế phải nộp, giảm thuế, tiền thuê đất, giảm các khoản phí và lệ phí.
Dự kiến, riêng gói hỗ trợ về tài chính, thuế, phí… nếu thực hiện từ nay đến cuối năm thì tổng kinh phí là 138.000 tỷ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Cùng với dó, Bộ Tài chính cũng phối hợp các bộ, ngành đảm bảo nguồn lực mua vắc xin, mua thiết bị y tế...
Về giải pháp trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, có hai nội dung quan trọng cần đảm bảo. Thứ nhất là đảm bảo sự thông suốt của chuỗi sản xuất và cung ứng. "Đây không phải chỉ có sản xuất và cung ứng trong nước, mà còn liên thông với thị trường bên ngoài. Giải pháp về nguồn cung, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa là rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, việc khuyến khích tiêu dùng nội địa cũng là một biện pháp cần thiết", Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Thứ hai là đảm bảo dòng tiền không bị đứt gãy, dòng tiền này có mối liên hệ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Về chính sách tài khoá, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và doanh nhân để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các chính sách ưu đãi thuế phí, để bảo đảm có nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục bố trí nguồn lực tiêm chủng vắc xin mở rộng và giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ vùng dịch.
“Về phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, chúng tôi sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế lãi suất đối với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng có nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.
Thanh Hoa