Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống còn 5,65% (Nguồn: Internet) |
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 907,33 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng.
Tuy đã có được một “bức tranh” nợ xấu sáng màu hơn, nhưng thực tế cho thấy, diễn biến này vẫn cần nhiều giải pháp để giảm thiểu hơn nữa số lượng nợ xấu. Bởi tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính chung toàn hệ thống có giảm nhưng nếu tính riêng thì không ít ngân hàng có lượng nợ xấu đáng quan ngại, thậm chí là có dấu hiệu tăng trở lại. Thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2019 của 22 ngân hàng thương mại cho thấy, tổng số nợ xấu đã tăng tới 5,9% so với thời điểm cuối năm 2018.
Trong số các ngân hàng thương mại, VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức cao, chiếm tới 3,62%/tổng cho vay, tăng so với mức 3,5% hồi đầu năm. Nợ xấu chủ yếu tập trung ở nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) chiếm 53,3% tổng nợ xấu; trong khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm 25,4%. Một ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu cao ở mức 2,72% là NCB, tăng mạnh so với mức 1,67% của cuối năm 2018. Ngoài ra, một số ngân hàng tầm trung cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng lên trong quý I như: MB, SHB, Techcombank, OCB, TPBank…
Ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bám sát Nghị quyết 42, thực hiện đánh giá nợ xấu trên từng tổ chức tín dụng. Trên cơ sở đó, đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể cho từng tháng, từng quý.
Hoàng Hà