Trong 6 tháng cuối năm, các ngân hàng dự báo sẽ nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với tất cả các nhóm khách hàng và hầu hết các lĩnh vực, ngoại trừ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán…
Cải thiện chính sách cho vay để thúc đẩy tín dụng
Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank đánh giá, sự hồi phục của nền kinh tế trong nửa cuối năm rõ nét hơn so với nữa đầu năm, đồng thời sức hấp thụ vốn cũng tốt hơn.
"Thực tế, trong quá trình làm việc với khách hàng, chúng tôi nhận thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiêp có dấu hiệu hồi phục. Từ đó, khách hàng mới phát sinh vay vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng được chứng minh qua tín dụng của nền kinh tế tăng trở lại trong quý II/2024", ông Hiểu nói.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 28/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 14,3 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Chỉ trong 6 tháng đã có thêm gần 1 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế, riêng trong tháng 6 có tới 270.000 tỷ đồng được cho vay ra.
Nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân tăng chậm hơn doanh nghiệp, kể cả với tín dụng mua nhà. |
Mặc dù vậy, ông Hiểu cho biết nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân tăng chậm hơn doanh nghiệp, kể cả với tín dụng mua nhà. Nguyên nhân một phần là tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, nên người lao động cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn. Hơn nữa, thị trường bất động sản đang trầm lắng và nguồn cung căn hộ cũng có phần hạn chế, nên nhu cầu vay mua nhà chưa tăng trở lại.
“ABBank đang đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tỷ lệ chiếm khoảng 15% tổng dư nợ”, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho hay.
Các ngân hàng chia sẻ, để tín dụng tăng được hơn 6%, ngân hàng áp dụng đồng thời nhiều phương án. Ngân hàng vừa giảm lãi suất cho vay, vừa đơn giản thủ tục bằng cách ứng dụng công nghệ số để minh bạch hoạt động cho vay.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cho biết: Ngoài sức hấp thụ của nền kinh tế, bây giờ, các ngân hàng đều có các giải pháp tổng hợp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và sức hấp thụ vốn của thị trường. Đến nay, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất sâu nhất, có lẽ là trong vòng 10 năm trở lại đây. Giá thấp thì cầu tín dụng sẽ tăng. Các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để giải quyết khâu về giá. Vấn đề thứ hai là về các thủ tục, các ngân hàng cũng tiếp tục tinh chỉnh các quy trình thủ tục.
Còn với SHB, bên cạnh việc thiết kế riêng các gói vay ưu đãi phù hợp với đặc trưng của từng nhóm ngành cụ thể, ngân hàng còn tìm cách giảm chi phí hoạt động, từ đó mới có thể đưa ra các mức lãi cho vay cạnh tranh.
"Ngoài việc huy động nguồn vốn giá rẻ trong nước thì còn hợp tác với nguồn vốn quốc tế, ODA, để đa dạng nguồn ưu đãi, sẵn sàng vốn để hỗ trợ cho doanh nghiệp khi có nhu cầu", ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp SHB chia sẻ.
Phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ đối với ngành ngân hàng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp cần thiết để đảm bảo có nguồn vốn cho vay, đáp ứng các nhu cầu vay hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng vẫn dè chừng cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán?
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng trong 6 tháng cuối năm, các ngân hàng cho biết sẽ nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng ở một số lĩnh vực như: Cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao; cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ; cho vay mua nhà để ở; cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics; công nghiệp chế biến, chế tạo; cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu; cho vay đầu tư, kinh doanh du lịch và nhóm khách hàng cá nhân…
Tuy nhiên, các ngân hàng khẳng định đối với 4 lĩnh vực: Cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản; cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán; cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; và lĩnh vực xây dựng, dự kiến vẫn tiếp tục thắt chặt nhưng xu hướng thắt chặt thu hẹp hơn so với 6 tháng đầu năm 2024.
Kết quả cuộc “Điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng”, vừa được NHNN công bố cho thấy, có 4 động lực tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong năm 2024 và dự kiến 2025 được các tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ ra là: Bán buôn, bán lẻ; Xuất, nhập khẩu; Thép và kim loại khác; Công nghiệp chế biến, chế tạo.
Các yếu tố được nhiều TCTD dự báo ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng doanh nghiệp, cá nhân trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024 bao gồm: Diễn biến tăng trưởng kinh tế; diễn biễn lãi suất; thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh; thay đổi lãi suất cho vay của TCTD; cơ hội đầu tư, xuất nhập khẩu thay đổi; chất lượng phục vụ cải thiện; cải tiến sản phẩm cho vay.
Còn các yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tín dụng trong thời gian tới được các TCTD chỉ ra là: Diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản; Khả năng sử dụng nguồn tài chính thay thế của khách hàng; và Sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Trong khi đó, theo dự báo của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, nhu cầu vay vốn trong nửa cuối năm sẽ tăng tốc nhờ kinh tế vĩ mô hồi phục.
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu cũng tăng trở lại nhờ các thị trường chính phục hồi. Trong khi đó, nhập siêu trong tháng 5 do tăng nhập khẩu nguyên liệu cho thấy dấu hiệu phục hồi của các ngành sản xuất. Điều này mở ra tín hiệu tích cực đối với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Đồng thời, lĩnh vực sản xuất có những tín hiệu hồi phục khi chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng qua ước tăng 6,8% so với cùng kỳ; riêng lĩnh vực chế biến - chế tạo tăng 7,3%.
FiinRatings cũng đánh giá, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản triển vọng hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ khi các bộ luật mới có hiệu lực.
Huyền Anh