Tín dụng nửa đầu tháng 5/2020 giảm 0,22% so với cuối tháng 4 (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Tại Hội nghị kết nối Ngân hàng và Doanh nghiệp tại Hà Nội nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, được tổ chức ngày 14/5, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng tháng 1 đạt 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, và đến trung tuần tháng 5 khoảng 1,2%. Như vậy, trong nửa đầu tháng 5/2020, tín dụng đã giảm 0,22%.
"Mức giảm này cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa biết vay vốn để làm gì do không biết lấy nguyên liệu ở đâu, bán cho ai", ông Hùng nói.
Thực tế, thời gian qua ngành ngân hàng đã ban hành những chính sách kịp thời thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là qua những thông tư, hướng dẫn về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn nợ gốc, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ… Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại giảm lãi cho các khoản vay mới nhằm thúc đẩy doanh nghiệp vực dậy sản xuất, kinh doanh .
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, sự hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn, rằng lãi suất cần phải rẻ hơn nữa. Đại diện Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội đề nghị hỗ trợ giảm 50% lãi suất cho các khoản vay đến kỳ trả lãi tháng 4,5,6/2020 nhằm kích thích nền kinh tế sau đỉnh của dịch và với mục đích trả lương cho người lao động (khống chế mức lãi vay không quá 7%/năm)…
Ông Lê Văn An, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cơ điện xây dựng – Công ty cổ phần chia sẻ, dịch bệnh khiến công ty bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nhưng mới nhận được hỗ trợ vài trăm triệu đồng từ phía ngân hàng, con số này quá khiêm tốn so với thiệt hại. Hơn nữa, vị này cũng kiến nghị thiết lập mặt bằng cho vay dưới 6,5%/năm, bởi có những đơn hàng quốc tế, khi cộng với chi phí lãi vay thì doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh về giá.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty Taxi Mai Linh cũng đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ 2-3% lãi suất cho vay, giãn nợ gốc và lãi cho các khoản vay phát sinh sau ngày 31/1/2020, giảm phí chuyển tiền, giảm phí duy trì internet banking… Các mức lãi suất ưu đãi không nên quá 6%/năm trong năm 2020, không quá 9%/năm trong năm 2021.
Từ những kiến nghị này, ông Nguyễn Quốc Hùng, cho hay, ngân hàng không thể cho vay khi đầu ra của doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa chứng minh được hiệu quả của khoản vay. Thời điểm này, doanh nghiệp cần tiến hành sắp xếp, xác định hoạt động kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính, từ đó có phương án kinh doanh hiệu quả. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay.
Ông Hùng cũng cảnh báo, có hiện tượng doanh nghiệp hoạt động khó khăn 1-2 năm nay, đã nợ xấu nhưng nay lại kiến nghị gửi NHNN là không tiếp cận được vốn vay dù nằm trong đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Chúng tôi chia sẻ với các TCTD về việc xuất hiện tình trạng này và đã có văn bản yêu cầu nghiêm túc thực hiện, nghiêm cấm để xảy ra trục lợi chính sách với khách hàng không đáp ứng được quy định tại Thông tư 01”, ông Hùng nói.
Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng dao động khoảng 1,8 đến 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các ngành như: Công nghiệp chế biến-chế tạo, Vận tải, Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, Giáo dục và đào tạo..., tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Ông Hùng nhận định, thời gian tới khả năng nợ xấu sẽ gia tăng. Bởi lẽ, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp sẽ là thách thức với doanh nghiệp trong việc sản xuất ra sao, vay vốn thế nào và bán đi đâu. Do vậy, việc cho vay với khách hàng có thể dẫn đến doanh nghiệp thừa vốn.
Huyền Anh