Cụ thể, với kỳ hạn 6 và 9 tháng tại 4 ngân hàng quốc doanh đều đang niêm yết ở mức 4,7% (giảm 0,3 điểm % so với đầu tháng). Tại kỳ hạn 12 và 24 tháng đang có mức niêm yết là 5,8% (riêng Agribank tại kỳ hạn 24 tháng đang có mức lãi suất thấp nhất là 5,5%/năm).
Lãi suất các kỳ hạn từ 1-2 tháng chỉ còn 3%/năm và với kỳ hạn 3-5 tháng là 3,8%/năm.
Như vậy, sau lần điều chỉnh này, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank chỉ còn 5,8%/năm - mức thấp nhất trên thị trường.
Từ ngày 23/8, lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng tại Agribank giảm về mức 5,5%/năm - thấp nhất trên thị trường. |
Trước đó, trong tháng 7/2023, mặt bằng lãi suất huy động cũng được điều chỉnh. Theo đó, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng thương mại giảm xuống 6,4%/năm vào cuối tháng 7, giảm 20 điểm cơ bản so với cuối tháng 6/2023 và 143 điểm cơ bản so với cuối năm 2022. Lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 3 tháng giảm xuống 4,24%, giảm 6 điểm cơ bản so với cuối tháng 6/2023 và 143 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.
Có thể thấy, xu hướng giảm lãi suất vẫn tiếp diễn trong các tháng gần đây. Từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều ngân hàng tư nhân cũng đã giảm mạnh lãi suất huy động, thậm chí một số ngân hàng đã xuống ngang bằng với 4 ngân hàng quốc doanh.
Đơn cử như tại Techcombank, lãi suất cao nhất hiện chỉ còn 6,3%/năm; ACB cũng đưa lãi suất cao nhất về chỉ còn 5,6%/năm đối với số tiền gửi thông thường.
Đáng chú ý, để được hưởng mức lãi suất như trên, khách hàng phải đáp ứng điều kiện nhất định. Chẳng hạn, Techcombank quy định: phải là khách hàng ưu tiên, gửi tiền online, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và số tiền trên 3 tỷ đồng; Đối với khách hàng thường và số tiền dưới 1 tỷ đồng, mức lãi suất cao nhất chỉ còn 5,95%/năm.
Động thái giảm lãi suất của các ngân hàng cũng bắt nguồn từ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng phải hạ lãi suất cho vay thêm 1,5 – 2% đối với cả dư nợ hiện hữu lẫn các khoản vay mới nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Các cam kết giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng trong năm 2023 sẽ phải báo cáo về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 25/8.
Hơn nữa, việc giảm lãi suất còn do hiện nay, các ngân hàng đang "ế" vốn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng cuối năm nay, vì vậy, giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là giải pháp quan trọng lúc này.
VNDirect kỳ vọng, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,0-6,2%/năm trước cuối năm 2023, bởi các lý do: tác động từ 4 đợt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước; nhu cầu tín dụng yếu trong nửa đầu 2023 làm giảm áp lực huy động; Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh trong các quý tiếp theo. “Lãi suất cho vay có thể giảm hơn nữa trong những tháng cuối năm nay, nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhanh do tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 02 được ban hành cho phép ngân hàng thương mại giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
VNDirect dự báo, lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những quý tới và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư.
Thanh Hoa