Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng của dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh chứng khoán và bất động sản để hạn chế rủi ro. (Ảnh Int). |
Cụ thể: nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng, tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019.
Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao. Một số ngân hàng thương mại có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng lớn so với năm 2019, trong đó, mức tăng thêm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng suy giảm mạnh so với cuối năm 2019. Việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng lớn so với năm trước.
Năm 2020, nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn (doanh nghiệp có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên) tăng so với cuối năm 2019. Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng đáng kể, dẫn đến việc chưa phản ánh thực chất kết quả kinh doanh.
Dấu hiệu cuối cùng là một số tổ chức tín dụng chưa quyết liệt trong công tác thu hồi tối đa nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đưa ra theo dõi ngoại bảng.
Để đảm bảo an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro, NHNN yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021.
Đồng thời, TCTD phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao thực hiện trong năm 2021, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng.
Riêng với chất lượng tín dụng, NHNN đặc biệt yêu cầu các TCTD phải thực hiện chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN; Kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao trong năm 2021; Tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, thực hiện định giá tài sản đảm bảo là bất động sản.
Đặc biệt, tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán các dự án BOT, BT giao thông... phải được kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, tín dụng bất động sản, NHNN chỉ đạo phải kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn, cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản, các địa bàn đang sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.
Với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng phải nâng cao chất lượng công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh;
Với tín dụng, mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng của dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro. Tuân thủ các quy định về điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Về tín dụng đối các dự án BOT, BT giao thông, phải cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn. Trong đó có liên quan đến các dự án BOT, BT giao thông, để hạn chế rủi ro thanh khoản.
Bên cạnh đó, TCTD phải tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp có số dư phát hành trái phiếu lớn, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích khi phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
TCTD phải nâng cao chất lượng tín dụng và tích cực xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, hạn chế tối đa tổn thất.
TCTD phải nghiêm túc thực hiện việc dự thu lãi đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung…
Huyền Anh