Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc các ngân hàng thương mại xoay xở để đưa vốn ra bằng cách cho vay tiêu dùng là phù hợp, do hoạt động sản xuất - kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực còn có khó khăn. Nếu muốn hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, trước hết phải thúc đẩy cho vay tiêu dùng.
Nhu cầu tín dụng cá nhân bắt đầu tăng
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần cho biết, trong bối cảnh túi tiền của người dân không còn rủng rỉnh như trước, các ngân hàng đang đưa ra nhiều chính sách để giúp người dân mạnh dạn vay vốn. Phổ biến là thời gian cho vay dài, xét duyệt hồ sơ nhanh, thời gian cố định lãi suất lâu hơn...
Nhờ vậy, cầu vốn cá nhân tăng trưởng tốt. Điển hình tại ACB, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đạt 550.000 tỷ, tăng 12,8%. Lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, tăng trưởng về tín dụng cho thấy ACB đang đi đúng hướng theo mục tiêu cân bằng tăng trưởng tín dụng ở cả hai phân khúc cá nhân và doanh nghiệp, báo cáo cho thấy 2 phân khúc này đều tăng trưởng trên 12% so với đầu năm.
Thị phần chính của ACB là bán lẻ (cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa), chiếm 94%. Đối với mảng doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của ACB cho biết, ngân hàng sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm phù hợp cho doanh nghiệp. ACB cũng đưa ra mức lãi suất thấp cho khách hàng doanh nghiệp (4 - 6%/năm). Đối với khách hàng cá nhân, ACB cho vay với lãi suất 6 - 8%/năm.
Dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. |
Ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11 nghìn tỷ USD trong năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới. Tại Việt Nam, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Báo cáo từ 16 tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn cho thấy, hiện có hơn 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai như gói 20.000 tỷ đồng của Agribank, gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng của HD Saison và FE Credit cho khách hàng là công nhân lao động.
Hiện, các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, SHB, VIB, HDBank... đều đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng.
Phó Tổng Giám đốc HDBank Trần Hoài Nam cho biết, cầu vốn cá nhân tăng trưởng tốt. HDBank có Công ty Tài chính HD SAISON đã xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vay tiêu dùng và ghi nhận gói tín dụng này giải ngân khá tích cực. Các hình thức phát triển tín dụng tiêu dùng trên các nền tảng điện tử, nền tảng số để giúp khách hàng có nhiều lựa chọn gói vay vốn phù hợp, tiết kiệm thời gian xử lý khoản vay cũng cần được quan tâm, chú trọng.
Ưu tiên cho vay tín dụng tiêu dùng
Với những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế, cùng với các chính sách giảm thuế, phí VAT và đặc biệt các gói ưu đãi với mặt bằng lãi suất cho vay thấp của các ngân hàng thương mại đã phát huy hiệu quả. TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) nhận xét, các ngân hàng sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp và cá nhân khi họ tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất.
Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) trong báo cáo mới đây cũng dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức 14,83% nhờ vào tín hiệu tích cực từ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, cho vay mua nhà có thể dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong thời gian tới, khi lãi suất ở mức thấp và thị trường bất động sản dần hồi phục.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực, mạnh dạn, chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn để tiếp tục khắc phục các khó khăn hiện tại cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, NHNN cũng chỉ đạo ngân thương mại quan tâm đối với tín dụng tiêu dùng. Đây là lĩnh vực càng đẩy mạnh được càng tạo điều kiện thúc đẩy tăng khả năng tiêu dùng, và đẩy mạnh cầu tiêu dùng mới kéo theo cầu sản xuất được.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.
Trong đó, yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Đặc biệt, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất.
Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi như: Chương trình gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; mở rộng Chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Các chuyên gia kỳ vọng gói tín dụng cho vay phát triển nhà ở xã hội hiện được NHNN trình Chính phủ sửa theo hướng tăng mức ưu đãi cho người mua nhà, lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn. Sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1%-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại, sẽ là động lực để thúc đẩy cho vay tiêu dùng trong thời gian tới.
Huyền Anh