Nhằm thúc đẩy cho vay tiêu dùng, từ ngày 1/7, các ngân hàng sẽ không yêu cầu khách hàng phải chứng minh phương án vay khả thi với các khoản vay dưới 100 triệu đồng, theo quy định tại Thông tư 12. Ngân hàng cho vay chỉ cần có thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cho vay vốn. Với khoản vay có giá trị nhỏ này, tổ chức tín dụng chủ động có các biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay.
Bỏ bớt quy định không có nghĩa quy trình cho vay lỏng lẻo
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến nửa đầu năm 2024, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Quy định mới theo Thông tư 12 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình thẩm định và cho vay vốn, giúp khách hàng tiếp cận vốn vay nhỏ nhanh chóng, thuận tiện hơn, từ đó góp phần hạn chế tín dụng đen, đồng thời thúc đẩy cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao hơn nữa.
Với các khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không phải chứng minh phương án vay khả thi nhưng phải đảm bảo được khả năng trả nợ. |
Các ngân hàng cho biết đã triển khai quy định mới và kỳ vọng chính sách này là cơ sở để ngân hàng phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng trên kênh số.
Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN khẳng định: "Việc bỏ bớt quy định trong quá trình phê duyệt hồ sơ vay vốn không có nghĩa sẽ khiến quy trình phê duyệt khoản vay trở nên lỏng lẻo, mà là để cho phù hợp với yêu cầu của thực tế cũng như giúp đẩy mạnh tài chính tiêu dùng trong thời gian tới".
Thế nhưng, từ thực tế đi vay, nhiều khách hàng phản ánh thủ tục vay tiêu dùng tại ngân hàng cũng không mấy dễ dàng.
Chị Mai Hương (Tây Mỗ, Hà Nội) là một ví dụ. Con gái vừa tốt nghiệp đại học, từ tháng 8 bắt đầu đi làm cách nhà 15km, chị cần vay 30 triệu đồng để mua xe cho con đi lại thuận tiện hơn. Sau khi tìm hiểu thủ tục ở 2 ngân hàng để vay khoản tiền này, chị thấy thủ tục vẫn rất rườm rà.
Theo chị Hương, dù với quy định mới không phải chứng minh phương án vay vốn khả thi, nhưng người vay vẫn phải chứng minh khả năng trả nợ và nơi làm việc, nơi ở..., thậm chí có ngân hàng còn yêu cầu khách phải cung cấp thông tin của người đồng trả nợ.
"Ngân hàng yêu cầu tôi phải sao kê bảng lương 6 tháng gần nhất kèm hợp đồng lao động hoặc quyết định tăng lương mới nhất. Trong khi con gái thì tháng 8 này mới bắt đầu đi làm, còn vợ chồng tôi làm tự do không có mức lương cố định hay hợp đồng lao động. Ngoài ra, ngân hàng còn yêu cầu tôi phải cung cấp bản photo căn cước công dân, giấy đăng ký kết hôn và người đồng trả nợ là chồng gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, căn cước công dân, nơi làm việc...", chị Hương cho hay và băn khoăn lãi suất cho vay vẫn là 10,5%/năm chứ không rẻ.
Thấy thủ tục vay phức tạp, không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng, chị Hương đành phải chuyển sang vay tại một công ty tài chính tiêu dùng. “Tôi chỉ cần sao kê hoá đơn điện, nước, thẻ bảo hiểm y tế, căn cước công dân, trong vòng 12h đã được giải ngân khoản vay. Mặc dù lãi suất cho vay tại công ty tài chính cao hơn lãi suất vay tại ngân hàng, nhưng thủ tục đơn giản và mức tiền vay thấp nên cũng có thể chấp nhận được”, chị Hương nói.
Người vay vẫn phải chứng minh phương án trả nợ
Các ngân hàng cho biết sẽ xây dựng quy trình, điều kiện, thủ tục để cho vay món nhỏ dưới 100 triệu đồng với tinh thần đảm bảo thuận lợi nhất. Tuy nhiên, khách hàng vẫn phải chứng minh phương án hoàn trả khoản vay.
“Theo nguyên tắc bất di bất dịch, ngân hàng cho vay phải bảo đảm được khả năng thu hồi được nợ, vì ngân hàng lấy tiền của người gửi để mang cho vay, ngân hàng vẫn phải trả lãi và bảo đảm an toàn được gốc của người gửi tiền, nên sẽ không có chuyện dễ dàng cho vay”, đại diện một ngân hàng cho hay.
Với dữ liệu khách hàng được xác thực như: thu nhập, nguồn thu..., các ngân hàng có thêm thông tin để đánh giá khả năng khách hàng có trả được nợ hay không. Bởi hiện nay, nợ xấu tại nhiều công ty tài chính tiêu dùng và một số ngân hàng đang ở mức báo động.
Số liệu của Hiệp hội Ngân hàngViệt Nam (VNBA) cũng cho thấy rủi ro trong mảng tín dụng tiêu dùng khá cao. Tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2023 của tín dụng cho vay đời sống phục vụ tiêu dùng đạt 3,8%, đến quý I/2024 nhích lên hơn 4%. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính vào cuối năm 2023 ở mức 15%, quý I năm nay khoảng 14,63%.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tính đến cuối tháng 6/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,56%. Tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng chiếm tỷ lệ 6,44% so với tổng dư nợ.
Đối với khối cho vay tiêu dùng, tình trạng nợ xấu đáng lo ngại. Thời gian qua đã xuất hiện những hội nhóm lôi kéo, bày cho nhau cách bùng nợ, chây ì trả nợ… trên mạng xã hội. Dù bản thân các đơn vị cho vay đã có những biện pháp và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, song công tác thu hồi nợ đối với nhóm khách hàng này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định: "Nói tóm lại không có chuyện ngân hàng dễ dàng cho vay, mà vẫn phải đảm bảo thu hồi được nợ. Đồng thời, lãi vay của khoản vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo chắc chắn cao hơn đối với cho vay sản xuất kinh doanh và khoản vay có tài sản đảm bảo”.
Huyền Anh