NamABank vừa công bố mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 ở mức 800 tỷ đồng, giảm 13,47% so với năm 2019 |
Dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến hoạt động của các ngân hàng. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, kịch bản lạc quan ban đầu của các ngân hàng là dịch chỉ kéo dài đến hết quý I/2020, song hiện nay, lạc quan nhất là phải kéo dài hết quý II/2020. Nếu dịch bệnh kéo dài đến quý III/2020 hoặc lâu hơn, các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Hệ quả của tăng trưởng tín dụng thấp
Theo dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng trong tháng 3 tiếp tục giảm mạnh, dù các ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Trước đó, 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước.
Trước tình hình trên, một số ngân hàng đã có động thái điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận. NamABank vừa công bố báo cáo thường niên năm 2019. Đáng lưu ý, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng giảm 13,47% so với năm 2019, ở mức 800 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) BIDV tổ chức đầu tháng này, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, huy động vốn 2 tháng đầu năm 2020 giảm 1,6%, dư nợ tín dụng cũng giảm gần 2% so với cùng kỳ năm 2019. Mức giảm này tuy là quy luật thông thường của ngành ngân hàng trong các tháng đầu năm, nhưng cũng một phần do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, khi tâm lý người dân, doanh nghiệp hạn chế vay vốn do sản xuất, kinh doanh khó khăn.
Tại ĐHCĐ năm 2020, BIDV vẫn giữ mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ là 12.500 tỷ đồng. Lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, con số này được xây dựng trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhất vào cuối tháng 3. Nếu tình hình kiểm soát dịch khó khăn và phức tạp hơn, BIDV sẽ linh hoạt, xây dựng kịch bản xấu hơn, có thể đề nghị ĐHCĐ giao quyền, báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để có điều chỉnh thích hợp.
Mặc dù mục tiêu lợi nhuận chưa được nhiều ngân hàng công bố, nhưng nhìn vào mức độ tăng trưởng tín dụng giảm cũng có thể thấy được bức tranh không mấy sáng sủa của ngành ngân hàng. Đại diện NHNN cho biết, trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước, dù các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây.
Theo đại diện các ngân hàng, hạn mức tăng trưởng tín dụng mà NHNN giao cũng giảm đáng kể so với con số kế hoạch năm 2019. Tiêu biểu như BIDV đưa ra dư nợ tín dụng tăng trưởng 13%, nhưng NHNN yêu cầu mức 9% để đảm bảo chính sách tiền tệ.
Quan tâm đến cơ cấu nợ hơn là cho vay mới
Theo phân tích của các chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động đến ngành ngân hàng ở các khía cạnh quan trọng: Cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, nhất là 3 quý đầu năm 2020; tiềm ẩn nợ xấu tăng khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch, dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) nhận định, tăng trưởng kinh tế chậm lại bởi dịch Covid-19 sẽ tổn hại đến chất lượng tài sản và làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng. Chẳng hạn, giá bất động sản có thể giảm, gây thiệt hại lớn với các khoản cho vay thế chấp bằng bất động sản của ngân hàng.
Giới phân tích cho rằng, nhiều ngân hàng đưa ra mục tiêu lợi nhuận năm 2020 khá cao, tuy nhiên, thời điểm đó chưa tính đến yếu tố ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng và chưa biết thời điểm nào kết thúc, mức độ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế tăng lên theo cấp số nhân, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, một mặt các ngân hàng phải chia sẻ lợi nhuận của mình với doanh nghiệp, mặt khác tăng trưởng tín dụng chậm, thậm chí một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm.
"Tín dụng vẫn là mảng chủ chốt, duy trì ở mức cao đã giúp nhiều nhà băng đạt được mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ trong năm qua. Chẳng hạn, động lực tăng trưởng chính của Vietcombank năm 2019 đến từ "nồi cơm" tín dụng, hay Techcombank cũng là một trong những ngân hàng đứng đầu về tăng trưởng tín dụng ở mức 18,8%... Tuy nhiên, tình hình nền kinh tế đang suy yếu như hiện nay, nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm mạnh. Trong quý II, nếu dịch bệnh không suy giảm, số lượng ngân hàng phải điều chỉnh giảm mục tiêu lợi sẽ nhiều hơn", một chuyên gia nhận định.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, nhà băng này phải hy sinh ít nhất 300 - 450 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng vì dịch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu cũng như mức trích lập dự phòng sẽ làm thâm hụt lợi nhuận của các nhà băng.
Tại buổi làm việc với các ngân hàng thương mại mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại phải chủ động xây dựng kịch bản phù hợp với hoạt động của từng ngân hàng, đồng thời quán triệt tinh thần chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ở giai đoạn này, nhiều ngân hàng cho biết họ quan tâm nhiều đến vấn đề cơ cấu lại nợ hơn là cho vay mới. Ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ cho vay đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng được thống kê và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Với những diễn biến trên, có thể mục tiêu lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ phải điều chỉnh giảm so với dự kiến hồi đầu năm.
Thanh Hoa