Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong quý IV/2023 khi lãi suất có xu hướng giảm sâu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ khó bền vững khi phần lớn các nhà băng đã chốt lời và lãi suất sẽ khó giảm thêm.
Nhiều ngân hàng chuyển từ lỗ sang lãi
Trong năm 2023, khi thu nhập lãi thuần của nhiều ngân hàng sụt giảm, đồng thời thu nhập từ mảng dịch vụ bán chéo bảo hiểm lao dốc, một nguồn thu nhập ngoài lãi lại có sự tăng trưởng mạnh "cứu" lợi nhuận của một số nhà băng, đó là lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư.
Điển hình, mảng chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh đã đóng góp tới 36% vào thu nhập ngoài lãi cho ACB. Trong khi năm ngoái, khoản lỗ từ hai hoạt động trên tương đương 7% thu nhập ngoài lãi.
Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong quý IV/2023 khi lãi suất có xu hướng giảm sâu. |
Cụ thể, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư mang về cho ACB hơn 2.647 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 21 tỷ đồng. Cùng với đó, mảng chứng khoán kinh doanh thoát lỗ gần 400 tỷ và mang về gần 170 tỷ đồng.
Tương tự, tại MSB, hoạt động chứng khoán đầu tư ghi nhận kết quả tích cực. Nếu như ở quý IV/2022, nhà băng này ghi nhận lỗ hơn 129 tỷ đồng từ mảng chứng khoán đầu tư thì sang quý IV/2023 đã "lội ngược dòng" chuyển thành lãi 281,7 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, MSB ghi nhận lãi gần 512 tỷ đồng từ hoạt động chứng khoán đầu tư.
Tại Bac A Bank, lãi từ chứng khoán đầu tư tăng lên gấp 3 lần năm trước đã giúp lợi nhuận ngân hàng tăng tới 60% trong quý IV/2023. Hoạt động này đã chiếm 49% thu nhập ngoài lãi của Bac A Bank trong năm 2023.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của BVBank cũng ghi nhận lãi hơn 122 tỷ đồng, nhờ doanh số mua bán trái phiếu (chủ yếu là trái phiếu chính phủ) tăng gần gấp đôi.
Lãi từ chứng khoán đầu tư của Techcombank và TPBank tăng gấp đôi năm trước mang về lần lượt 926 tỷ đồng, 856 tỷ đồng.
Theo quy định, chứng khoán kinh doanh là các loại giấy tờ có giá, chứng khoán đầu tư là các loại giấy tờ có giá có rủi ro thấp và thanh khoản cao, được các ngân hàng nắm giữ với mục đích đầu tư, không thuộc loại chứng khoán mua vào bán ra thường xuyên nhưng sẵn sàng bán bất cứ lúc nào xét thấy có lợi.
Chứng khoán đầu tư bao gồm hai loại chính: chứng khoán nợ như trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi… và chứng khoán vốn (cổ phiếu). Trong đó, trái phiếu (đặc biệt là trái phiếu Chính phủ) thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong bộ phận này.
Vì sao các ngân hàng 'thích' đổ tiền vào chứng khoán đầu tư?
Khi nắm giữ chứng khoán đầu tư, ngân hàng kỳ vọng nhận được hai nguồn thu nhập bao gồm các khoản lãi định kỳ và lãi từ chênh lệch giá mua và giá bán. Trong đó, các khoản lãi định kỳ sẽ được hạch toán trực tiếp vào thu nhập lãi thuần, còn lãi từ chênh lệch giá mua – bán sẽ được hạch toán vào lãi thuần từ chứng khoán đầu tư theo khoản mục thu nhập và chi phí mua bán chứng khoán đầu tư.
Chính vì vậy, việc các ngân hàng lãi lớn từ chứng khoán đầu tư là đến từ chênh lệch giá mua – bán của các loại giấy tờ có giá, hoàn nhập dự phòng và không liên quan đến các khoản lãi nhận định kỳ của loại tài sản này.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng liên tục trong trạng thái dồi dào và tăng trưởng tín dụng gặp khó, việc các ngân hàng “đổ tiền” vào chứng khoán đầu tư là không quá khó hiểu.
Một chuyên gia cho hay, trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng gồm rất nhiều các sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, cổ phiếu,... Nhưng trái phiếu thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất và trái phiếu Chính phủ thường chiếm tỷ trọng cao nhất. Đây là loại tài sản có giá cả biến động ngược chiều với lãi suất.
Trong năm 2023, lãi suất có xu hướng giảm mạnh từ đầu năm nên giá trái phiếu tăng mạnh mang về lợi nhuận lớn cho các ngân hàng.
Thời điểm cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành thêm 1%/năm trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng chóng mặt trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu. Có những thời điểm, lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng nóng, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ 10 năm đẩy lên mức 4,65%/năm, kỳ hạn 15 năm là 4,8%/năm. Vì vậy, mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ cuối năm 2022 tăng cao hơn so với đầu năm 2,3-4,1% tuỳ từng kỳ hạn.
Thời điểm đó, các ngân hàng đã chứng kiến lợi nhuận từ mua bán chứng khoán sụt giảm nhanh chóng và chịu lỗ trong quý IV/2022.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2023, lãi suất trái phiếu Chính phủ bắt đầu giảm dần, giúp các ngân hàng thu lợi từ mảng chứng khoán đầu tư. Theo Kho bạc Nhà nước, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân năm 2023 là 3,21%/năm, giảm đáng kể khi mặt bằng lãi suất "neo" khá cao so với đầu năm (3,97%/năm).
Bên cạnh đó, lý do thứ hai khiến các ngân hàng thích “đổ tiền” vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu của tổ chức tín dụng và tín phiếu bởi do Chính phủ, ngân hàng và NHNN phát hành nên rủi ro rất thấp. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cao, đặc biệt năm qua kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đáo hạn trái phiếu theo đúng thời hạn.
Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều chuyên gia và các lãnh đạo ngân hàng, mức lợi nhuận đột biến từ mua bán chứng khoán của các ngân hàng có thể sẽ khó duy trì trong những quý tiếp theo do trong năm nay, NHNN không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất điều hành bởi cơ quan quản lỳ còn nhiệm vụ bình ổn lạm phát và ổn định tỷ giá. Hơn nữa, lãi suất huy động trên thị trường hiện nay đã về mức “đáy”.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, trong năm qua, hoạt động đầu tư trái phiếu Chính phủ ở nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức lợi nhuận khả quan khi lãi suất đảo chiều giảm. Tuy nhiên, do phần lớn lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu Chính phủ đã được thực hiện hóa và ghi nhận hết trong quý III, triển vọng trong thời gian tới sẽ không còn thuận lợi như trước.
Huyền Anh