Thực tế, hơn 20 năm thực hiện tín dụng chính sách đối với khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Đặc biệt, tín dụng chính sách đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
“Chắp cánh” từ vốn vay chính sách
Xã Long Cốc là xã khu vực II thuộc huyện miền núi huyện Tân Sơn (Phú Thọ) với đa số đồng bào dân tộc Mường sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng và chế biến chè. Những năm gần đây, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thoát nghèo.
Anh Hà Văn Thắm, dân tộc Mường, Phó giám đốc HTX chè sạch Long Cốc, xã Long Cốc, chia sẻ: “Để có nền tảng phát triển như ngày hôm nay là nhờ sự chắp cánh từ vốn vay chính sách”.
Thành viên HTX chè sạch Long Cốc đang sao sấy chè. |
Anh Thắm kể, năm 2012, đánh dấu bước chuyển mới trong cuộc sống gia đình anh với việc vay vốn hộ nghèo đầu tư vườn chè theo tiêu chuẩn GAP, 3 năm sau anh đã có một nền tảng kinh tế vững chãi khi 2,5ha chè đã chính thức được khai thác. Với kinh nghiệm sao sấy chè, anh Thắm đã mạnh dạn cùng chị em trong thôn thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap.
Năm 2019, để đăng ký thương hiệu chè sạch Long Cốc, anh Thắm chuyển đổi mô hình lên HTX. Đồng thời vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để nâng cao công suất và chất lượng sao chế với việc mua máy quay, cối và bếp hút.
“Sản phẩm làm ra đạt chất lượng được thị trường đón nhận, hiện các sản phẩm chè của HTX có mặt trong hệ thống siêu thị Phú Cường, Winmart…”, anh Thắm cho hay.
Hiện nay, HTX đang bao tiêu sản phẩm cho 24/40ha chè của 12 thành viên để sản xuất chè giá trị cao từ 250 nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng/kg tạo ra việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Tác động lan tỏa của HTX còn xa hơn nữa khi HTX cùng các thành viên của tổ, trồng chè hữu cơ và đặt kế hoạch kết nạp thêm 40 hội viên, nâng diện tích chè lên 80ha, HTX cũng đang hoàn thành dự án nhà máy chè có chất lượng cao trong nước và xuất khẩu sang Nga.
Cũng tìm tới nguồn tín dụng chính sách, HTX Tuấn Tú (Ninh Phước, Ninh Thuận) đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Chị Châu Thị Âm, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng là thành viên của HTX nhớ lại, trước đây cuộc sống gia đình chị vô cùng khó khăn, dù gia đình sản xuất 3 sào ruộng nhưng cuộc sống không đủ ăn. Tuy nhiên, từ năm 2017 chị Âm được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để mạnh dạn chuyển đổi 3 sào ruộng sang trồng măng tây. "Trồng măng tây mất 4 tháng đầu là làm đất và đợi cho cây sinh trưởng, 8 tháng còn lại có thể thu hoạch gối các vụ. Trung bình mỗi ngày sau khi trừ chi phí tiền lãi khoảng 30 triệu đồng. Vì vậy, cuộc sống gia đình tôi đã không còn nghèo đói như trước. Thậm chí tôi đã xây được căn nhà khang trang", chị Âm cho hay.
Không chỉ gia đình chị Âm, nhiều thành viên khác của HTX Tuấn Tú cũng đã thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH.
Vốn chính sách tập trung vào vùng dân tộc thiểu số
Với vai trò là công cụ trụ cột của Chính phủ trong giảm nghèo bền vững, các giải pháp tín dụng của NHCSXH hướng tới việc cụ thể hóa chính sách vay hỗ trợ sản xuất được quy định tại Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Các giải pháp được đặt ra trên cơ sở xác định rõ đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn và quy định cụ thể liên quan phù hợp với quy định hiện hành về hoạt động của NHCSXH và không trùng lặp với các chương trình tín dụng chính sách hiện tại.
Hái chè thủ công tại HTX chè sạch Long Cốc. |
NHCSXH cho biết, vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. Tín dụng chính sách đã giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh hiệu quả vốn tín dụng cho đồng bào dân tộc, các chuyên gia cho rằng, cần có những quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến chính sách, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho NHCSXH triển khai thực hiện và giúp các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Việc cho vay được quy định theo thứ tự ưu tiên: hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, các quy định cũng phải phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện chương trình và khả năng trả nợ của người vay.
Để đạt hiệu quả các mục tiêu đề ra, thời gian tới, NHCSXH cho biết tiếp tục rà soát, đánh giá để đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp theo hướng tăng định mức và mở rộng đối tượng được vay. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đối tượng vốn vay hướng đến nhiều hơn các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị của các HTX, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và thực hiện tốt an sinh xã hội.
Cần mở rộng tín dụng vào kinh tế tập thể
Mặc dù hoạt động tài trợ vốn tín dụng cho các mô hình kinh tế tập thể trong một, hai năm trở lại đây đã có cải thiện, tuy nhiên qua khảo sát của Bộ NN&PTNT cho thấy, 78,6% các HTX không có tài sản thế chấp để vay tín dụng. Khoảng 14% hồ sơ xin vay không được các ngân hàng chấp thuận do các HTX có phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi hoặc sổ sách tài chính kế toán chưa rõ ràng, minh bạch.
Ngoài ra cũng có một số lượng lớn các HTX hoạt động yếu kém, thiếu thông tin, không nắm rõ được các thủ tục vay vốn. Vì thế chưa thể tiếp cận được các khoản tín dụng cho sản xuất kinh doanh.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để nâng cao tỷ lệ HTX tiếp cận được vốn vay từ NHTM, khâu định giá tài sản thế chấp cần được rà soát, từ đó thống nhất cách làm và đưa ra những cơ chế ưu tiên khuyến khích cho nhóm kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan cần rà soát kỹ các quy định của Nghị định 116/2018/ NĐ - CP và Nghị định 55/2015/NĐ-CP về tín dụng nông nghiệp nông thôn để tạo điều kiện hỗ trợ cho vay nhiều hơn đối với các khoản vay không có tài sản thế chấp cho các mô hình HTX hoạt động hiệu quả.
Ở quy mô cả nước, Bộ NN&PTNT nên phối hợp với NHNN và các bộ ngành, xây dựng cẩm nang tiếp cận tín dụng cho HTX lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, phổ biến sâu rộng ở các địa phương, lan tỏa vào các chuỗi liên kết và các mô hình hợp tác giữa HTX nhằm tăng thêm khả năng tiếp cận vốn.
Ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II cho rằng, hiện nay, tín dụng nội bộ của HTX cũng khá phát triển. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần có văn bản hướng dẫn phù hợp, kịp thời để tạo nội lực cho các đơn vị kinh tế tập thể đa dạng huy động vốn. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh của các chuỗi liên kết nông nghiệp, nên hiện nhiều NHTM ở phía Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động tài trợ vốn.
Trong đó, các ngân hàng như Agribank, NHCSXH cũng đã triển khai tập huấn cho cán bộ tín dụng về mô hình và hoạt động của HTX và xây dựng cho các HTX các phương án kinh doanh khả thi. Vì thế việc kết nối xây dựng cẩm nang vay vốn tín dụng đối với HTX sẽ có thể triển khai được ngay nhằm phổ biến nhanh chóng các quy định, quy trình thủ tục tiếp cận vốn đối với các mô hình kinh tế tập thể.
Hoàng Hà