Trong những năm gần đây, việc ngân hàng “bắt tay” với công ty bảo hiểm đã trở thành xu hướng. Cụ thể như VIB, Techcombank, Vietcombank ký độc quyền với FWD, ACB ký độc quyền với Sun Life, MSB bắt tay với Prudential…
Ngân hàng hứa hẹn về khoản thu lớn
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2022 vừa được các ngân hàng tổ chức trong tháng 4, một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm đó là phân phối bảo hiểm và khoản lãi từ dịch vụ này. Có thể thấy, những con số và thông tin được hầu hết các ngân hàng công bố đều làm “ấm lòng” cổ đông.
Dù chưa có bất kỳ hợp đồng độc quyền nào, HDBank vẫn nằm trong top 5 về doanh số bán chéo bảo hiểm nhân thọ. |
Ấn tượng nhất là VPBank với khoản lãi thuần từ thu nhập khác lên đến hơn 7.100 tỷ đồng, gấp 9 lần so với cùng kỳ. Đây là mức thu từ thỏa thuận hợp tác độc quyền với Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam, giúp ngân hàng báo lãi quý I kỷ lục trên 11.146 tỷ, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, nhờ ghi nhận phí ứng trước từ thương vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) với Công ty bảo hiểm nhân thọ AIA (khoảng 5.000 tỷ đồng).
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của BIDV, chủ đề về hợp tác phân phối bảo hiểm cũng là vấn đề được cổ đông rất quan tâm. Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Lê Ngọc Lâm, với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, hiện BIDV có Công ty bảo hiểm BIC - một trong những doanh nghiệp được thị trường đánh giá cao, đang hoạt động hiệu quả và đóng góp tốt cho mảng bảo hiểm của BIDV.
Với mảng bảo hiểm nhân thọ, BIDV cũng đang hợp tác với công ty bảo hiểm của Mỹ. “Tới đây, chúng tôi cũng xem xét bàn lại cấu trúc sở hữu hợp lý với công ty bảo hiểm này, phù hợp với xu hướng của thị trường. Chúng tôi có rất nhiều phương án để có lựa chọn tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông”, ông Lâm nói.
Việc hứa hẹn với cổ đông về khoản thu lớn về bảo hiểm cũng được ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank, nhắc đến tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên vừa qua.
Theo ông Sơn, hợp đồng 5 năm với Daii-chi Life sẽ hết hạn vào tháng 5/2022, hiện ngân hàng đang tìm kiếm công ty bảo hiểm phù hợp để ký kết hợp đồng bancassurance trong khoảng 15-20 năm, dự kiến có thể công bố vào tháng 6 tới. “Nếu thành công thì kết quả kinh doanh năm 2022 sẽ có nhiều thay đổi lớn”, ông Sơn nói.
Còn lãnh đạo ACB cho biết, hiện mảng dịch vụ và bảo hiểm của ngân hàng đều tăng trưởng tốt. Thu nhập ngoài lãi đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó bancassurance có đóng góp lớn nhất.
Chờ những thương vụ đình đám
Theo nhận định của các chuyên gia, làn sóng tái đàm phán của các thương vụ phân phối bảo hiểm độc quyền được kỳ vọng sẽ diễn ra trong giai đoạn 2022-2023, bởi hiện nay vẫn còn một số ngân hàng đang trong quá trình "kén rể".
HDBank là một trong số ít ngân hàng chưa ký hợp đồng độc quyền bảo hiểm. Trả lời câu hỏi của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Phó chủ tịch HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định dù mới tham gia thị trường bancassurance và chưa có bất kỳ hợp đồng độc quyền nào, ngân hàng đã nằm trong top 5 về doanh số bán chéo bảo hiểm nhân thọ.
Tuy chưa chọn được đối tác "kết hôn" nhưng với vị thế hiện tại, bà Thảo cho biết ngân hàng có thể thu về khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tổng giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh thông tin thêm, ngân hàng chưa hài lòng với vị trí thứ 5 này mà sẽ hướng tới vị trí thứ 4 hoặc thứ 3 trong năm nay. "HDBank sẽ cân nhắc thời điểm cần thiết và quan trọng để mang lại giá trị tốt nhất khi quyết định chọn đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền", ông Thanh khẳng định.
Có thể thấy, thị trường bancassurance trong năm nay dự kiến tiếp tục sôi động. Hồi đầu năm, Agribank công bố hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm của FWD Việt Nam, qua hệ thống gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc. Cũng có những thông tin bên lề cho thấy nhiều nhà băng đàm phán lại mức phí mới theo sự tăng trưởng của thị trường.
Trao đổi với VnBusiness, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, nhờ vào nền tảng bán lẻ ngày càng vững chắc hơn nên việc bán chéo sản phẩm cũng trở nên thuận lợi hơn. Các ngân hàng vẫn có nhiều động lực trong việc đẩy mạnh bán các sản phẩm bảo hiểm để đáp ứng các chỉ tiêu mới, hoặc sử dụng doanh thu bán hàng như là lợi thế trong việc thương lượng phí trả trước. Do đó, hoa hồng thu được từ mảng dịch vụ này trên tổng dịch vụ thu phí dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Huyền Anh