Theo Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, dự tính đến hết năm 2018, quy mô tín dụng của nền kinh tế Việt Nam chiếm khoảng 138% GDP, trong đó quy mô tín dụng phi chính thức chỉ khoảng 15-20% và quy mô tín dụng đen chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức.
Tín dụng phi chính thức không xấu
Theo các chuyên gia, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế rất lớn, đặc biệt ở khu vực nông thông, vùng sâu vùng xa có nhu cầu vay lớn nhưng lại gặp hạn chế khi tiếp cận các nguồn tín dụng và dịch vụ tài chính hợp pháp.
Vì vậy, người dân thường tìm đến tín dụng phi chính thức dưới nhiều dạng, vay bạn bè, người thân, vay các công ty, vay cầm đồ, vay ở tổ chức tài chính vi mô…
Trên thực tế, điều kiện vay vốn tín dụng ở các ngân hàng thương mại vô cùng khó khăn đối với người dân ở vùng nông thôn, trong khi thị trường tài chính vi mô có 16 công ty tài chính cùng với 11 công ty cho thuê tài chính nhưng chỉ có 4 – 5 công ty có thị phần chi phối, còn lại khá nhỏ và hoạt động chưa bền vững.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia ngành ngân hàng, ông Lực cho rằng tín dụng phi chính thức có cả nghĩa tích cực và tiêu cực.
Theo ông Lực: “Không nên coi tín dụng phi chính thức là xấu, vì người dân vẫn có nhu cầu và chúng ta cũng cần có nguồn cung. Một diễn giả quốc tế từng nói rằng tín dụng phi chính thức đáp ứng nhu cầu hơn là tội đồ”.
Ông Lực cho rằng nên thống nhất một thuật ngữ khác cho tín dụng đen là tín dụng phi chính thức, nặng lãi, không theo pháp luật. Nếu gọi là tín dụng đen, vậy còn “sáng” thì là gì?
Hiện có 3 loại vay tín dụng đen. Một là cho vay tiền gộp, nghĩa là ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hàng ngày. Hai là vay nóng, trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định, loại này cực kỳ rủi ro vì lãi suất cao. Vay gộp, lãi suất hiện nay khoảng 60- 70%, còn vay nóng lên hơn 100%. Loại cuối cùng là cho vay mua xổ số, hay “đề đóm”.
Tuy nhiên, ông Lực cho rằng nếu phát triển nóng cũng cần phải kiểm soát nhằm hạn chế các hệ lụy đi kèm. Cần phải phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và các công ty tài chính, công ty công nghệ để tạo ra một hệ sinh thái giúp người dân vay vốn thuận lợi hơn.
Ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho biết mặc dù quan hệ dân sự cho phép cho vay, nhưng thời gian qua, tín dụng đen đã có nhiều biến tướng tinh vi, diễn biến phức tạp và gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng để hạn chế tín dụng đen |
Tăng khả năng tiếp cận tài chính
Chẳng hạn, Luật Dân sự 2015 quy định, trần lãi suất là 20%, tuy nhiên cho vay tiêu dùng hiện nay có lúc 40-45% nhưng không vi phạm do Luật cũng quy định: “trừ khi luật chuyên ngành có quy định khác”. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng Việt Nam lại cho phép thỏa thuận nên trần lãi suất nói trên không bị vi phạm.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là tại Việt Nam, kinh tế phi chính thức vẫn còn có quy mô lớn, tạo mảnh đất cho tín dụng đen phát triển.
Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ, gần đây có thể kể đến cho vay ngang hàng, cho phép cho vay trực tuyến, rất tinh vi và ngày càng phổ biến.
Đưa ra giải pháp ngăn chặn tình trạng tín dụng đen, ông Lực cho rằng giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, thực hiện tốt Quyết định 1626 của Chính phủ về tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển tài chính số, ngân hàng số…
Đặc biệt, cần tăng giáo dục tài chính, nâng cao hiểu biết của người dân về các dịch vụ. Theo đó, một là người dân sẽ tìm đến tín dụng phi chính thức thay vì tín dụng đen, hai là nâng cao ý thức trả nợ.
“Hiện nay, chúng ta có nhiều sản phẩm tài chính mới, như cho vay ngang hàng, huy động vốn từ cộng đồng, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, các kênh thị trường vốn cần phát triển hơn, đặc biệt tài chính vi mô”, ông Lực nói.
Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng Phạm Huyền Anh cho biết trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu ký Nghị định đối với phát triển nông thôn, trong đó lưu ý mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và khuyến khích tổ chức tín dụng mở chi nhánh tại vùng sâu vùng xa, địa bàn khó khăn.
Hoàng Hà