![]() |
Ngân hàng đã đưa ra cảnh báo các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng. |
Mỗi khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao, đi kèm với đó, nhiều hình thức lừa đảo mới lại xuất hiện nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng và qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Các ngân hàng vừa đưa ra cảnh báo 4 phương thức đối tượng lừa đảo thường xuyên sử dụng, đó là: sử dụng website/trang mạng xã hội mạo danh thương hiệu ngân hàng để mời phát hành thẻ hoặc vay vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi; mạo danh thương hiệu ngân hàng để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp vướng mắc về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng nhằm thu thập thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch và tài khoản của khách hàng; mạo danh ngân hàng, tổ chức chuyển tiền quốc tế gửi tin nhắn kèm đường dẫn để lừa đảo nhằm lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng và mạo danh là nhân viên nhà mạng liên hệ khách hàng và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi SIM 3G thành SIM 4G qua điện thoại, sau đó chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại của khách hàng.
Bên cạnh đó, Công an Hà Nội cũng cho biết, gần đây lực lượng công an đã triệt phá nhiều vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong đó các đối tượng đã giả mạo giấy tờ để mở tài khoản thực hiện lừa đảo gây thiệt hại cho người dùng lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng cảnh sát hình sự, Công an TP. Hà Nội cho biết, các đối tượng làm giả chứng minh thư, bóc ảnh người dân và dán ảnh đối tượng vào rồi đi mở hàng trăm tài khoản. “Cơ quan ngân hàng cần phải nâng cao khả năng nghiệp vụ để phát hiện giấy tờ giả”, ông Bình khuyến cáo.
Trước tình hình nói trên, nhiều ngân hàng đã phải triển khai các giải pháp công nghệ mới nhằm định danh chính xác người dân. Mỗi người dân khi mở tài khoản sẽ được xác thực bằng sinh trắc học nhằm định danh chính xác người thực hiện mở tài khoản trùng khớp với thông tin nhân thân trên giấy tờ, từ đó giúp khách hàng thuận tiện trong giao dịch và tránh được các nguy cơ của dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, hiện nay hầu hết các giao dịch tại quầy đang được Vietcombank đưa lên kênh ngân hàng số, cũng như khách hàng có thể thực hiện được giao dịch ngân hàng kết nối với bên thứ 3 như mua bán online: vé máy bay, checkin online
Cũng với việc ứng dụng các công nghệ nói trên, các ngân hàng cho biết cũng tăng cường ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng cường quản trị rủi ro, đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ thông tin của khách hàng.
Để giao dịch an toàn, ngân hàng khuyến cáo khách hàng không nên truy cập vào link đường dẫn mạo danh thương hiệu ngân hàng, tuyệt đối không tiết lộ tên đăng nhập và mật khẩu cho bất cứ ai khác, không nên viết mật khẩu ra giấy hoặc ghi chép/lưu dưới bất kỳ hình thức nào.
Chỉ nên truy cập vào website chính thức của ngân hàng, đăng xuất ngay sau khi kết thúc phiên giao dịch hoặc khi không sử dụng.
“Không nên sử dụng các thông tin cá nhân cơ bản (ngày tháng năm sinh, số điện thoại, tên...) để đặt mật khẩu, nên đổi mật khẩu theo định kỳ tối thiểu ba tháng một lần hoặc khi bị lộ/nghi ngờ bị lộ”, ngân hàng khuyến cáo.
Ngoài ra, khi nhận được tin nhắn OTP, khách hàng cần kiểm tra các nội dung thông báo của OTP (như số tiền, loại giao dịch, kênh thực hiện giao dịch...). Trong trường hợp thông tin không khớp đúng, tuyệt đối không nhập OTP vào bất cứ màn hình nào, đồng thời, không cung cấp OTP cho bất cứ ai dưới bất kỳ hình thức nào.
Thanh Hoa