Tính đến nay, số lượng khách hàng cũng như dư nợ của nhóm nhóm Big 4 (Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV) bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 là lớn nhất. Đây cũng là lực lượng chủ đạo giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão. Dù vậy, việc tăng vốn nhỏ giọt đang khiến các ngân hàng không đủ nguồn lực và đang ngày càng đối mặt với nỗi lo kẹt room tín dụng.
Vốn của ngân hàng tư nhân cao gấp đôi ngân hàng quốc doanh
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 6/2024, tổng vốn điều lệ của hệ thống tổ chức tín dụng đạt 1.069.050 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước có tổng vốn điều lệ 228.229 tỷ đồng, tăng 4,75%; nhóm NHTM cổ phần tư nhân có tổng vốn điều lệ 587.850 tỷ đồng, tăng 8,35%; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài có tổng vốn điều lệ 171.117 tỷ đồng, tăng 4,87%.
Có thể thấy, các NHTM cổ phần dễ dàng thực hiện kế hoạch tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, trong khi khối NHTM nhà nước phải trải qua quá trình xét duyệt nhiều vòng để nhận được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. Điều này khiến nhóm ngân hàng quốc doanh ngày càng "tụt lùi" trong cuộc đua thứ hạng về vốn điều lệ so với các NHTM cổ phần tư nhân.
Tính đến cuối tháng 6, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có tổng vốn điều lệ 228.229 tỷ đồng, tăng 4,75%. |
Hiện, nhiều ngân hàng TMCP tư nhân như: Techcombank, HDBank, VPBank, ACB, Nam A Bank, OCB… đã thực hiện chia cổ tức ở mức tương đối cao để tăng vốn năm nay. Trong đó, một số nhà băng đã “vượt mặt” khối NHTM nhà nước.
Thống kê cho thấy, dẫn đầu về vốn điều lệ toàn hệ thống hiện nay là VPBank, với vốn điều lệ đạt 79.339 tỷ đồng, không biến động so với cuối năm 2023.
Đứng thứ 2 là Techcombank với vốn điều lệ đạt 70.450 tỷ đồng, tăng 100%.
Ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là BIDV và Vietcombank, với vốn điều lệ lần lượt đạt 57.004 tỷ đồng và 55.890 tỷ đồng, đều không biến động so với cuối năm 2023. VietinBank giữ vị trí thứ 5, với vốn điều lệ đạt 53.699 tỷ đồng, giữ nguyên.
Trong Top 10 ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất còn có MB với 52.870 tỷ đồng (tăng 1%), Agribank với 51.615 tỷ đồng (tăng 25%), ACB với 44.666 tỷ đồng (tăng 15%), SHB với 36.629 tỷ đồng (tăng 1%), HDBank với 29.076 tỷ đồng (không thay đổi).
Trong phiên họp mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết và phương án bổ sung hơn 20.000 tỷ đồng vốn nhà nước cho Vietcombank. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank phù hợp với chiến lược phát triển và đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tới năm 2025.
Cụ thể, vốn bổ sung cho Vietcombank là 20.700 tỷ đồng, dự kiến lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lãi còn lại năm 2021 của ngân hàng. Khoản tiền này gần bằng số lợi nhuận hợp nhất trước thuế nửa đầu năm nay của Vietcombank.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, với nguồn lực được bổ sung, Vietcombank sẽ đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, tăng tiềm lực và hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém.
Thực tế, không chỉ với Vietcombank, việc tăng vốn hiện nay rất cấp bách với tất cả ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác, bao gồm VietinBank, Agribank và BIDV. Nhóm ngân hàng này giữ vị trí chủ lực trong bơm vốn cho nền kinh tế, là "cánh tay nối dài" của NHNN trong thực hiện chính sách tiền tệ và tín dụng, luôn đi đầu trong giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém…
Cần chiến lược dài hơi cho "đầu tàu" của hệ thống ngân hàng
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nên có chiến lược tăng vốn dài hơi cho NHTM có vốn nhà nước. Bởi nếu được tăng vốn, các ngân hàng này có thể bơm mạnh vốn cho nền kinh tế, giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, khi đó sức lan tỏa sẽ lớn hơn, đóng góp vào nền kinh tế nhiều hơn.
Về vấn đề này, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, việc tăng vốn giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục. “Nếu tăng 1 đồng vốn cho tổ chức tín dụng thì có thể tăng 8 lần dư nợ cho nền kinh tế”, lãnh đạo NHNN cho biết.
Gần đây, các ngân hàng cũng đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Đầu năm nay, Vietcombank đặt kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ 6,5% vốn, trong khi BIDV đặt mục tiêu phát hành riêng lẻ 9%. Thương vụ dự kiến mang về cho mỗi ngân hàng hơn 1 tỷ USD.
Tuy vậy, theo thông tin từ Chứng khoán MBS, kế hoạch của hai “ông lớn” này đều đang phải tạm hoãn sang năm 2025.
Trước đó, kế hoạch phát hành riêng lẻ với tỷ lệ 6,5% đã được ban lãnh đạo Vietcombank đề cập từ năm 2019, song đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Tương tự, kế hoạch phát hành riêng lẻ của BIDV đã được đề cập từ cách đây 2 năm với dự kiến ban đầu là phát hành 455 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 9% vốn điều lệ. Tuy nhiên, giống như Vietcombank, kế hoạch của BIDV chưa được triển khai do điều kiện chưa thuận lợi.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2023, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, ngân hàng đã tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua nhưng vẫn chưa thể phát hành tăng vốn do điều kiện kinh tế vĩ mô.
Việc thực hiện tiếp tục được đưa sang năm 2024 và tại ĐHĐCĐ năm 2024 hồi tháng 4, BIDV đã trình và thông qua kế hoạch tăng vốn từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng bằng phát hành thêm 1,36 tỷ cổ phiếu. Trong đó, 1,197 tỷ cổ phiếu là để trả cổ tức và phát hành riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu tương đương 2,89% vốn điều lệ (tính tại thời điểm 31/12/2023).
Trước tình trạng thấp thỏm chờ tăng vốn hàng năm, lãnh đạo các ngân hàng trong nhóm Big 4 đề nghị Chính phủ, Quốc hội có cơ chế dài hơi để các ngân hàng này có thể tăng vốn bền vững và chủ động hơn.
Theo lãnh đạo Agribank, ngay cả khi được cấp đủ 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2023, thì số vốn tăng thêm cũng chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đến năm 2024. Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của ngân hàng”, Chủ tịch Agribank kiến nghị.
Trong khi đó, VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm trong vòng 5 năm (giai đoạn 2024 - 2028) để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Huyền Anh