Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo, dư địa để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ của Việt Nam không còn nhiều. Nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp dù lãi suất đã giảm, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá.
Hai yếu tố hỗ trợ vẫn đang rất thuận lợi
Theo giới phân tích, có hai yếu tố tác động lớn đến quyết định nới lỏng hay thắt chặt tiền tệ là tỷ giá và lạm phát.
Hai yếu tố tác động lớn đến quyết định nới lỏng hay thắt chặt tiền tệ là tỷ giá và lạm phát. |
Về tỷ giá, có thể thấy sau thời gian dài ổn định, từ giữa tháng 7 đã xuất hiện những “cơn sóng” ngắn hạn. Nguyên nhân là do chính sách tiền tệ của Việt Nam đi ngược với xu hướng trên thế giới. Đó là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng như ngân hàng trung ương nhiều nước vẫn kiên trì tăng lãi suất, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) liên tục hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế. Vì thế, khi USD tăng giá trị, NHNN buộc phải tăng tỷ giá để giữ ổn định lãi suất.
Bên cạnh đó, tỷ giá tăng đến từ nhu cầu xuất nhập khẩu bắt đầu cải thiện và các doanh nghiệp FDI cũng có nhu cầu USD tăng.
Các chuyên gia nhận định, từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ có biến động, song không phải là điều đáng lo ngại, bởi Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn là 20,9 tỷ USD trong 8 tháng năm 2023; mức vốn đầu tư FDI giải ngân ổn định đạt 18,1 tỷ USD và dự trữ ngoại hối gia tăng lên mức 93 tỷ USD.
Về lạm phát, nhiều ý kiến nhận định đang có dấu hiệu tăng nhưng khó có thể vượt mục tiêu 4%.
Như vậy, hai yếu tố hỗ trợ đáng kể cho NHNN theo đuổi chính sách tiền tệ có phần nới lỏng vẫn đang rất thuận lợi.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup và chuyên gia công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đều cho rằng: NHNN sẽ vẫn theo xu hướng hạ lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, mức giảm sẽ không nhiều do dư địa nới lỏng không còn nhiều. Lãi suất ở tất cả các kỳ hạn và cả ở thị trường 1, thị trường 2 đều đã về gần vùng trước khi tăng lãi suất vào tháng 5, tháng 6/2022. Mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Còn chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, mặc dù rất có thể Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong dịp cuối năm, nhưng với chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt của NHNN, lãi suất trong nước sẽ đi theo xu hướng ổn định và giảm dần.
Với quan điểm thận trọng hơn, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng lãi suất điều hành cố gắng ở mức bình ổn, không nhất thiết hạ thêm nữa.
Đồng tình, MBKE dự báo nhiều khả năng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách thay vì cắt giảm thêm, do rủi ro về áp lực tỷ giá trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Ngoài ra, NHNN lo ngại việc phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ nới lỏng có thể dẫn tới nợ xấu cao hơn và bất ổn hệ thống ngân hàng trong dài hạn.
Giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu?
Thực tế, ưu tiên hiện tại của NHNN là hạ mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngay trong tháng 8, mặt bằng lãi suất đã tiếp tục giảm và hiện tại đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Cụ thể, lãi suất huy động 12 tháng trung bình đạt 6,08%, đã giảm trở lại 10 điểm cơ bản. Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và còn nhiều dư địa giảm. Do đó, theo tôi, lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh hơn lãi suất huy động”.
Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, một xu thế đang diễn ra trên thị trường tài chính và sẽ tiếp diễn đến cuối năm đó là lãi suất huy động tiếp tục giảm nhưng không thể giảm sâu như thời điểm đầu năm, bởi ngân hàng phải đảm bảo hoạt động kinh doanh của mình. Đồng thời, lãi suất huy động giảm sâu hơn nữa sẽ khó cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.
Đối với lãi suất cho vay, chuyên gia này cho rằng cũng khó giảm sâu tương ứng với lãi suất huy động vì còn phải đảm bảo cho sự an toàn của toàn hệ thống.
Ngoài ra, việc giảm lãi suất ở thị trường trong nước còn tùy thuộc vào tình hình tài chính thế giới. Nếu Fed tăng lãi suất vào tháng 9 thì Việt Nam khó giảm sâu lãi suất. Bởi khi đó nếu giảm lãi suất thì tiền Đồng sẽ giảm giá, đẩy tỷ giá với USD lên cao, tạo sự bất ổn ở thị trường ngoại hối.
Theo đó, ông Hiếu dự báo mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ giảm thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm, chứ không thể giảm sâu.
Ở một góc nhìn lạc quan hơn, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ giảm nhiều: “Tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất ở nước ta đến cuối năm sẽ giảm khoảng từ 1,5% đến 2%”.
Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, NHNN khẳng định: "Các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2-2,5 điểm % trong 6 tháng cuối năm 2023, tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực. Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới".
Huyền Anh