Hiện tại, cuộc đua tăng lãi suất huy động bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Trong tuần vừa qua, không còn ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất. Thậm chí, một vài ngân hàng đã công bố mức lãi suất mới thấp hơn nhiều so với trước đó như Saigonbank, BaoVietBank, MSB, OceanBank...
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động
Sau giai đoạn liên tục tăng nóng, kể từ ngày 15/12, lãi suất tiền gửi ngân hàng đã chững lại, thậm chí nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu niêm yết lãi suất huy động theo hướng đi xuống, với mức giảm khoảng 1% đối với từng kỳ hạn.
Lãi suất huy động và cho vay có dấu hiệu hạ nhiệt sau chỉ đạo "rắn" của Ngân hàng Nhà nước. |
Điển hình, Saigonbank giảm mạnh khoảng 0,4 - 1 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Theo đó lãi suất cao nhất tại ngân hàng này giảm từ 10,5% xuống 9,5%/năm; OceanBank mới đây cũng hạ lãi suất huy động cao nhất đối với sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 10%/năm về 9,2%/năm; MSB điều chỉnh giảm 0,4 điểm % lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại nhà băng này hiện ở mức 9%/năm…
Tại nhiều nhà băng tư nhân khác như VietABank, Techcombank... mức lãi suất niêm yết cao nhất đang xoay quanh 9,5%/năm. Với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, lãi suất cao nhất giữ nguyên ở mức 7,4%.
Diễn biến trên xuất hiện sau lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, đã bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2022, các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng lên. Xu hướng này được tiếp nối với tần suất nhiều hơn và cường độ lớn hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng 2 lần lãi suất điều hành.
Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11%/năm với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên… Nhìn chung, so với cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay tăng khoảng 3 - 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng. Ngược lại, tại một số ngân hàng dù không tăng lãi suất, nhưng vẫn giữ lãi suất ở mức cao, vượt 9,5%/năm.
Xử lý nghiêm ngân hàng tăng lãi suất
Thời gian qua đã diễn ra cuộc đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng, đưa mặt bằng lãi suất huy động lên mức 12,75%/năm, thậm chí 13%/năm, từ đó có ngân hàng đẩy lãi suất cho vay lên mức 16-17%/năm, chưa kể chi phí mua bảo hiểm.
Điều này khiến chi phí khoản vay tăng lên, khách hàng vay lâm vào tình thế rất khó khăn và dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trong thời gian tới.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
''Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ'', ông Tú nhấn mạnh.
Trong văn bản vừa phát hành ngày 22/12, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay và kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này.
Trước đó, Nhiều Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, TP vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn căn cứ khả năng, năng lực tài chính để tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp. Điển hình, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đề xuất mức giảm từ 0,5 - 2%/năm, tùy lĩnh vực, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Đà Nẵng nhấn mạnh: “Trước tình hình khó khăn và cấp bách hiện nay, trên tinh thần hỗ trợ, đề nghị các ngân hàng đồng thuận với chủ trương giảm lãi suất huy động và cho vay nhằm giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh…".
Huyền Anh