Từ ngày 1/10/2020 Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành nhằm tạo dư địa để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm.
Về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD, NHNN quy định, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Đặc biệt, về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định, NHNN cũng điều chỉnh giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Nói về quyết định giảm lãi suất lần này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm đến nay, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và giảm mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020 mới đây, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chủ trương cố gắng phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành thanh khoản tạo thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng (TCTD) sẵn sàng có nguồn vốn để cung cấp tín dụng, hạn chế việc tăng lãi suất huy động trên thị trường để lấy nguồn vốn cho vay.
"Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn cho các TCTD có nguồn cho vay", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm các mức lãi suất điều hành. Tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN.
Ngoài ra, NHNN cũng giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên để giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
Nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời cho nền kinh tế. Nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng trưởng rất chậm, đến ngày 16-9 chỉ tăng 4,81% so với cuối năm 2019. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra từ đầu năm thì tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2020 là 14%.
Thanh Hoa