Khi khách hàng lên tiếng bức xúc vì ngân hàng tăng giá cước tin nhắn SMS Banking, ngay lập tức giữa ngân hàng và nhà mạng nổ ra cuộc tranh cãi và đẩy qua lại “quả bóng trách nhiệm” cho nhau. Theo một số chuyên gia, các ngân hàng cần ngồi lại với nhà mạng để đàm phán mức phí phù hợp thay vì đẩy thiệt thòi về phía khách hàng.
Nhà mạng, ngân hàng "đá bóng trách nhiệm"
Trước đó, VnBusiness đã có bài phản ánh về việc một số ngân hàng điều chỉnh phí dịch vụ tin nhắn SMS ngay đầu năm 2022 khiến nhiều khách hàng bức xúc. Vì vậy, nhiều người đã bỏ dịch vụ SMS để chuyển sang nhận biến động số dư qua app.
Thời gian gần đây, nhiều khách hàng tá hỏa khi thấy phí dịch vụ tin nhắn SMS ngân hàng tăng cao đột ngột. |
Theo tìm hiểu hiện nay, khách hàng vẫn sử dụng phổ biến hình thức nhận thông báo thay đổi số dư và nhận OTP – mật khẩu giao dịch một lần qua tin nhắn SMS. Ngân hàng thường chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư và không thu phí đối với tin nhắn gửi OTP. Để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ tin nhắn SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông.
Trước phản ứng của dư luận, phía ngân hàng cho rằng phí tin nhắn SMS Banking cao là do nhà mạng viễn thông đang thu phí SMS dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần bình thường. Cụ thể, Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/tin nhắn. Trong khi cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99 - 350 đồng/tin.
“Trong năm 2021, ngân hàng này chi trả gần 1.000 tỷ đồng chi phí gửi SMS, hơn 70% là chi phí cho các tin nhắn thông báo số dư, còn lại là chi phí gửi mã OTP. Chỉ tính riêng với dịch vụ thông báo thay đổi số dư, ngân hàng này phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2020, 2021 ngân hàng phải san sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vượt qua ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, đến thời điểm này để cân đối lợi nhuận, các ngân hàng cũng phải nâng giá phí dịch vụ tin nhắn SMS banking”, lãnh đạo một ngân hàng nói với VnBusiness.
Trong khi đó, các nhà mạng giải thích, phí dịch vụ tin nhắn SMS của các ngân hàng thuộc loại hình tin nhắn định danh (brandname), đòi hỏi phải đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật và hệ thống mạng cao hơn nên phí dịch vụ cũng phải cao hơn so với tin nhắn thông thường...
Đại diện một nhà mạng cho biết: “Mặc dù vậy, từ năm 2018 đến nay cước tin nhắn SMS các nhà mạng tính cho ngân hàng vẫn không thay đổi. Thậm chí, chúng tôi còn điều chỉnh chính sách chiết khấu theo mức lưu lượng, áp dụng mức giảm giá cao hơn cho các đại lý và các ngân hàng. Sau khi giảm trừ chiết khấu, đơn giá áp dụng cho các ngân hàng là từ 580 đồng - 680 đồng”.
Nhà mạng và ngân hàng nên "tìm tiếng nói chung"
Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, phía ngân hàng giải thích không phải là không có lý, nhưng rõ ràng các ngân hàng đang dùng chiến lược "mượn tay" khách hàng để gây áp lực lên các nhà mạng. Bằng chứng rõ ràng là các ngân hàng đồng loạt rủ nhau tăng phí. Việc kinh doanh và thỏa thuận phí là là giữa 2 bên, không thể vì 2 bên không đàm phán được mà bắt khách hàng phải chịu phí cao.
Chị Nguyễn Thu Hương (Hà Nội) bức xúc: "Trong thời điểm nguồn thu nhập của người dân bị sụt giảm do dịch bệnh như hiện nay, việc tăng phí chỉ khiến khách hàng thêm khó khăn mà thôi, trong khi các ngân hàng vẫn lãi cả nghìn, hàng chục nghìn tỷ mà vẫn thu phí cao của khách liệu có quá đáng?".
TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng: Các tổ chức tín dụng và các nhà mạng cần thống nhất với nhau về quan điểm, cách làm, đưa ra mức phí dịch vụ phù hợp. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi mà hiện tượng lừa đảo thông qua tin nhắn trở nên phổ biến, nhiều khách hàng chưa hiểu rõ, vô tình thực hiện những thao tác trên tin nhắn, dẫn tới mất tiền trong tài khoản tiền gửi. “Tôi mong muốn các đơn vị viễn thông cùng trao đổi, đồng thuận cùng ngân hàng, rà soát lại, kịp thời điều chỉnh cước phí tin nhắn SMS đối với dịch vụ ngân hàng cho phù hợp, để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
Trước phản ứng mạnh mẽ từ khách hàng và dư luận, một số ngân hàng cho biết chấp nhận bù lỗ cước tin nhắn chứ chưa tăng phí dịch vụ này vì lo nhiều khách hàng có thể sẽ đóng tài khoản để chuyển sang các ngân hàng khác có mức phí mềm hơn.
Thực tế, các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt, nỗ lực để cung cấp các dịch vụ đảm bảo chất lượng tốt nhất, giá ưu đãi nhất cho người sử dụng. Số khách hàng có số dư biến động hầu hết là những khách hàng tiềm năng như kinh doanh online, hay người quản lý tài chính của gia đình, họ sẽ sử dụng thêm các dịch vụ đi kèm khác như: thanh toán tiền điện thoại, điện, nước, học phí, mua sắm trực tuyến...
Ngoài ra, việc duy trì cước phí giá rẻ so với nhiều ngân hàng khác sẽ thu hút thêm được tệp khách hàng mới.
Thanh Hoa