Trên diễn đàn OFFB, tài khoản: Dang Huu Phu chia sẻ: “Tôi bán hàng online, mỗi tháng giao dịch qua internet banking hàng trăm tin nhắn. Mới rồi nhận thu phí 77.000 đồng, xót quá. Cả tài khoản có chưa đến 300 ngàn đồng, bị trừ gần 1/3”.
Trong khi đó, tài khoản Cát Nguyễn bức xúc: “Vừa mới thấy Vietcombank thông báo miễn phí dịch vụ internet banking thì tháng này lại nhận được thông báo tăng phí SMS lên gấp chục lần. Cuối cùng khách hàng vẫn là người chịu thiệt, còn ngân hàng luôn hưởng lợi. Chưa kể, mỗi dịp cao điểm, có việc mà gọi vào số hotline Vietcombank đến cả chục lần chẳng ai thèm nghe. Tôi thấy dùng dịch vụ của Vietcombank cước quá cao nhưng không tương xứng với dịch vụ. Có lẽ, tôi phải chuyển sang dùng dịch vụ của ngân hàng khác rẻ hơn”.
Người dùng kêu trời sau khi nhận tin nhắn thu phí từ Vietcombank. |
Chị Nguyễn Thị Hoà, chủ một đại lý bán vé máy bay than thở: “Hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, hơn 1 tháng nay mới hoạt động trở lại, lượng khách giao dịch mới chỉ đạt 30% so với thời điểm trước dịch, nhưng đầu năm mà đã nghe 1 loạt thông tin giá cả hàng hoá tăng chóng mặt, thì tháng 2 nhận thông tin bị trừ 77.000 đồng, trong khi những tháng trước chỉ trừ có 11.000 đồng”.
Theo tìm hiểu của VnBusiness, hiện nay hầu hết các ngân hàng miễn phí dịch vụ Internet Banking, không thu phí đối với tin nhắn gửi OTP, nhưng vẫn thu phí dịch vụ SMS. Đáng lưu ý, từ tháng 1/2022 một số nhà băng điều chỉnh giá dịch vụ này theo số lượng tin nhắn mỗi tháng lên gấp từ 5-7 lần, tuỳ vào số lượng tin nhắn.
Chẳng hạn, tại Vietcombank quy định, nếu số lượng tin nhắn trong tháng dưới 20 tin, Vietcombank thu phí 11.000 đồng/tháng; từ 20 đến dưới 50 tin nhắn là 27.500 đồng/tháng; từ 50 đến dưới 100 tin là 55.000 đồng/tháng; từ 100 tin nhắn trở lên là 77.000 đồng/tháng. Như vậy, 1 năm, người dùng có thể phải đóng phí tin nhắn SMS cao nhất lên tới 924.000 đồng.
Trong khi đó, BIDV đưa ra chính sách, đối với 0-15 SMS/tháng, ngân hàng thu phí 9.900 đồng, từ 16-50 SMS/tháng thu phí 33.000 đồng, từ 51-100 SMS/tháng có phí 60.500 đồng và từ 100 SMS/tháng thu phí 77.000 đồng. Hay tại Techcombank, phí SMS Banking được chia theo các mốc: 0-15 SMS/tháng phí 13.200 đồng, 16-30 SMS/tháng phí 19.800 đồng, 31-60 SMS/tháng phí 44.000 đồng, trên 61 SMS/tháng 82.500 đồng/tháng.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội nhiều người kêu gọi tẩy chay dịch vụ của Vietcombank. |
Trước những bức xúc về cước tin nhắn quá cao, nói với VnBusiness, giám đốc trung tâm thẻ của một ngân hàng cổ phần cho biết, các ngân hàng vẫn chịu mức phí từ các nhà mạng từ 785 đồng/tin nhắn đến 820 đồng/tin nhắn, cao gấp nhiều lần cước tin nhắn thông thường ở những lĩnh vực khác. Ước tính sơ bộ, một tổ chức tín dụng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, còn các tổ chức tín dụng tầm trung trở lên là 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng. Chính vì vậy, khoản tiền chi trả cho nhà mạng đang rất lớn, có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm cho các ngân hàng. Vì vậy các ngân hàng phải tăng mức thu phí dịch vụ tin nhắn thông báo số dư.
Theo vị giám đốc này, SMS Banking là dịch vụ ngân hàng thông qua tin nhắn SMS, giúp khách hàng theo dõi biến động số dư tài khoản tức thì, nhận thông báo tiền gốc và lãi vay từ ngân hàng…
Hơn nữa, trong bối cảnh nở rộ tình trạng đánh cắp tiền tài khoản việc duy trì tin nhắn này là rất cần thiết để nếu có xảy ra trường hợp bị hack tài khoản khách hàng sẽ kịp thời xử lý.
Do đó, nếu huỷ dịch vụ SMS Banking, vị này khuyến cáo khách hàng nên đăng ký dịch vụ thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng (APP) và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP. Hình thức này là có độ bảo mật cao và đều miễn phí.
Tuy nhiên, việc nhận thông báo qua OTP bắt buộc phải có mạng internet, vì vậy, nhiều người vẫn dùng SMS vì sự tiện dụng.
Trước vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng không thể lấy lý do nhà mạng thu phí cao để “đổ lên đầu khách hàng” , theo đó, ngân hàng và nhà mạng phải “ngồi lại với nhau” để tính toán mức thu hợp lý, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Trước đó trong năm 2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có 4 lần gửi kiến nghị để các nhà mạng giảm cước phí tin nhắn SMS cho các ngân hàng thương mại nhưng chưa nhận được sự phản hồi.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho biết, các ngân hàng thương mại bức xúc vì nhà mạng thu phí tin nhắn cao gấp 3 lần cước tin nhắn thông thường vì lý do đầu tư cho bảo mật. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng lừa đảo qua tin nhắn giả mạo thương hiệu của các ngân hàng gửi từ nhà mạng vẫn liên tục xuất hiện làm ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người dân vào tính an toàn trong giao dịch số với ngân hàng.
Cách huỷ dịch vụ SMS Banking Cách 1: Người dùng có thể tới quầy giao dịch của ngân hàng để huỷ. Cách 2: Gọi điện đến số hotline ngân hàng yêu cầu hỗ trợ huỷ dịch vụ SMS Banking. Cách 3: Soạn tin nhắn theo cú pháp để huỷ dịch vụ. Ví dụ: để huỷ dịch vụ SMS Banking Viecombank, khách hàng nhắn theo cú pháp “VCB cd huy” gửi 6167. Cách 4: Nhiều ngân hàng cho phép khách hàng được huỷ dịch vụ SMS Banking thông qua cài đặt trên ứng dụng app Mobile Banking, Ngân hàng số. |
Thanh Hoa