Cổ đông SHB đồng thuận phương án tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. |
Một trong những giải pháp trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 là đẩy nhanh tiến trình nâng cao năng lực, hiệu quả của các TCTD, bao gồm các ngân hàng thương mại, nhất là năng lực tài chính, áp dụng chuẩn mực quản trị và Basel II, III.
Tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược
Để thực hiện mục tiêu này các ngân hàng bắt buộc tăng vốn điều lệ. Một trong những biện pháp được các ngân hàng thực hiện là tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tăng vốn bằng lợi nhuận để lại thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư mới…
Gần đây việc tăng vốn thông qua bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được nhiều nhà băng lựa chọn. Lý do là bởi bên cạnh việc tăng vốn còn là kỳ vọng các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ hỗ trợ ngân hàng nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Những thương vụ thành công chiếm tỷ lệ khá cao. Đơn cử, trong năm 2020, OCB đã hoàn tất bán 15% cổ phần cho Aozora Bank (Nhật Bản); MB phát hành riêng lẻ hơn 64,3 triệu cổ phiếu cho 8 nhà đầu tư nước ngoài; HDBank chào bán trái phiếu chuyển đổi cho DEG (Đức).
Hay như năm 2019 cũng ghi nhận 2 thương vụ là Vietcombank bán 3% cổ phiếu cho GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho Bank Ltd; BIDV bán 15% cổ phần cho Keb Hana Bank…
Bước sang năm 2021, quan sát tại đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng vừa diễn ra, có thể thấy khá nhiều nhà băng đưa ra kế hoạch thu hút vốn ngoại. Ví dụ, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cho biết, ngân hàng này vẫn đang có kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, nhiều khả năng sẽ sử dụng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và chưa biết tới khi nào dịch kết thúc, thì việc đảm bảo được sức khoẻ tài chính là vô cùng quan trọng, nhất là khi hệ thống tài chính - ngân hàng với vai trò của mình sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng đảm bảo được mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.
Việt Nam có cơ sở hút vốn ngoại
Đánh giá về khả năng hút vốn ngoại của ngành ngân hàng, một chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, khả năng thành công là rất lớn vì hiện nay nhiều tổ chức tài chính quốc tế rất quan tâm đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam.
Chính những nỗ lực và khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh điều kiện ngặt nghèo của nền kinh tế góp phần thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại.
Cùng với đó, hiện nay các nhà băng cũng chú trọng xây dựng thương hiệu không chỉ đơn thuần thông qua các hình thức quảng cáo, khuyến mại, mà quan trọng nằm ở chính chất lượng dịch vụ, uy tín, tiềm lực của mình. “Thương hiệu càng uy tín thì càng có khả năng hấp dẫn được các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, từ đó cơ hội để "hút" thêm vốn ngoại càng được mở rộng hơn”, một chuyên gia chia sẻ.
Để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, không ít nhà băng đã “tạm khóa” room ngoại của mình. Chẳng hạn, HDBank điều chỉnh room từ mức 30% xuống 21,5% vào cuối năm 2020, nhằm để dành dư địa cho kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược trong thời gian tới.
Tương tự, VPBank quyết định giảm room từ 22,77% xuống 15%. Dư địa room dự kiến dùng để chào bán cho nhà đầu tư ngoại sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và thị trường ổn định hơn.
Tại Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế được tổ chức mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ tiếp tục là nền tảng để giữ chân dòng vốn dài hạn vào Việt Nam, trên cơ sở xuất siêu tiếp tục tăng và tiêu dùng phục hồi.
Từ phía Ngân hàng Nhà nước, chính sách tiền tệ vẫn sẽ được điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Những yếu tố này là mấu chốt để Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động khó lường.
Huyền Anh