Các ngân hàng cho biết, việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) kéo dài không những gây thiệt hại cho các ngân hàng, mà còn làm lệch lạc chủ trương của Nhà nước, gây trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Không dễ thu hồi nợ dù kiện ra toà
Theo nhiều ngân hàng, Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu cho phép TCTD có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu, nhưng trên thực tế, việc thu giữ TSBĐ vẫn phụ thuộc nhiều vào thiện chí của người vay. Trong nhiều trường hợp, người vay không hợp tác, cố chây ì trong bàn giao tài sản thế chấp, cùng sự chậm trễ của cơ quan pháp luật tại một số địa phương khiến các ngân hàng thương mại tiếp tục gặp khó khăn khi xử lý nợ xấu.
Các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu. |
Trao đổi với VnBusiness, đại diện Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cho biết, ngân hàng đang có hồ sơ khách hàng vướng nợ xấu, đã kiện ra tòa và có bản án nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, Công ty TNHH Sikar (Hải Lăng, Quảng Trị) có khoản vay tại PvcomBank, tổng nghĩa vụ phải trả bao gồm cả gốc và lãi đến ngày 26/7/2021 là hơn 22.859 triệu đồng. TSBĐ bao gồm nhiều dây chuyền sản xuất, nhà xưởng, nhà và quyền sử dụng đất. Đến tháng 5/2018 ngân hàng khởi kiện ra TAND huyện Hải Lăng. Tuy nhiên, vụ việc đã bị đình chỉ do Sikar có đơn đề nghị mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Trong quá trình kiểm kê tài sản, cơ quan chức năng và ngân hàng phát hiện một số TSBĐ tại nhà máy Sikar có sự thay đổi về hiện trạng so với thời điểm thế chấp.
Ngày 21/1/2020, TAND huyện Hải Lăng đã chuyển hồ sơ cho VKSND huyện Hải Lăng xem xét vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả. Sau khi tiếp nhận giải quyết, VKSND Hải Lăng đã chuyển hồ sơ cho Công an Hải Lăng để điều tra có dấu hiệu hình sự theo quy định và đến nay chưa có kết luận cuối cùng.
Theo PVcomBank, quá trình xử lý kéo dài từ năm 2018 đến nay, nhà băng này đã chịu các thiệt hại về chi phí tạm ứng hơn 400 triệu đồng để bảo vệ tài sản, PVcomBank phải tự bỏ tiền để trông giữ TSBĐ tại Nhà máy Sikar. Song, thiệt hại lớn nhất đó là TSBĐ của PVcomBank bị xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian có thể khiến PVcomBank không thể thu hồi được bất kỳ khoản nợ nào của Sikar, sau khi trừ các chi phí bảo vệ, xử lý TSBĐ.
“Nhận thấy giá trị TSBĐ có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng do vụ việc bị kéo dài và không có đơn vị đầu mối thực hiện công tác bảo vệ nên PVcomBank đã nhiều lần có văn bản đề nghị các cơ quan thực thi đẩy nhanh quá trình giải quyết và thống nhất phương án bảo vệ và xử lý các TSBĐ tại nhà máy nhưng đến nay vẫn không nhận được ý kiến phản hồi”, đại diện PvcomBank cho hay.
Tăng quyền cho các TCTD
Trước chia sẻ của một số ngân hàng thương mại về việc không thể thu hồi tài sản thế chấp dù đã có quyết định thi hành án, giới chuyên gia nhìn nhận, pháp luật về thi hành án vẫn còn một số kẽ hở giúp cho người phải thi hành án lợi dụng trốn tránh, kéo dài thời gian thi hành. Chẳng hạn như tài sản khi kê biên có tranh chấp thì phải hoãn thi hành án chờ kết quả giải quyết của tòa án, hay như thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp…
Ông Phan Tấn Trung, Phó chánh Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng để TCTD tiếp tục là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cần hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu tốt hơn.
Mới đây, Chính phủ chính thức kiến nghị Quốc hội ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu, trong đó tăng quyền cho các TCTD. Đáng chú ý, Chính phủ kiến nghị Luật riêng về xử lý nợ xấu sửa đổi các quy định về việc thu giữ TSBĐ theo hướng TCTD có quyền thu giữ tài sản cho khoản nợ xấu mà không cần phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSBĐ trong hợp đồng bảo đảm.
NHNN cho rằng, quy định này sẽ góp phần giảm các vụ việc phải giải quyết tại tòa án, rút ngắn được quá trình xử lý TSBĐ , qua đó giảm thiểu chi phí cho Nhà nước và TCTD/VAMC, tối đa hóa giá trị thu nợ từ TSBĐ, giảm nợ xấu của hệ thống TCTD, tăng quyền tiếp cận tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc Chính phủ đề xuất một luật riêng về xử lý nợ xấu là rất cần thiết. Bộ luật mới này vừa phải tiếp thu mặt tích cực của Nghị quyết 42, song đồng thời cũng phải khắc phục các vướng mắc hiện nay, trong đó có xử lý TSBĐ.
"Mặc dù quyền thu giữ TSBĐ và việc sang tên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là một trong những nội dung trọng tâm tại Nghị quyết 42, nhưng việc triển khai trên thực tế rất vướng trong trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác" ông Lực nói.
Huyền Anh