Theo các chuyên gia, ngân hàng nói riêng và tài chính nói chung luôn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế là đã có nhiều thương vụ thành công từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản… với các ngân hàng trong nước.
Khóa room ngoại
VIB cho biết đã nhận được chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa xuống còn 4,99% từ ngày 1/7. Trước đó, điều lệ của VIB quy định room ngoại tối đa ở mức 30%.
Việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài là một phần trong chiến lược quản lý vốn và cơ cấu cổ đông của VIB. Ngân hàng cho biết cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan và đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Cổ đông chiến lược của VIB là Commonwealth Bank of Australia (CBA) sở hữu hơn 500 triệu cổ phiếu, tương đương gần 20% vốn của ngân hàng.
HDBank muốn hạ 'room' ngoại về 17,5%. |
Hiện tại, tỷ lệ nắm giữ vốn của CBA tại VIB đã giảm mạnh, hiện xuống còn 362,54 triệu cổ phiếu (tương đương 14,33% vốn). Dự kiến CBA sẽ tiếp tục bán ra cổ phần VIB cho các nhà đầu tư trong nước đến khi tỷ lệ sở hữu bằng hoặc nhỏ hơn 4,99%.
Trong báo cáo đánh giá mới đây của Chứng khoán SSI, việc giảm room ngoại sẽ giúp VIB thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm đối tác chiến lược mới. Ban lãnh đạo ngân hàng này cũng chia sẻ với cổ đông sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược mới ngay sau khi CBA thoái vốn theo các quy định.
Chia sẻ về kế hoạch nới thêm room ngoại hoặc tìm kiếm cổ đông chiến lược ngoại trong thời gian tới, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, hiện room ngoại của Techcombank là 22%, tỷ lệ này cho phép ngân hàng phát hành 10% cho cổ đông chiến lược.
Techcombank cũng đang xem xét việc phát hành cho cổ đông chiến lược. Bởi thông thường phát hành cho cổ đông chiến lược thì giá cổ phiếu cao hơn, điều này mang lại lợi ích chung cho các cổ đông. “Techcombank đang tìm kiếm cơ hội và kỳ vọng khi thị trường tốt hơn thì sẽ gặp được”, ông Hùng Anh nói.
Trong tài liệu gửi cổ đông mới đây, HDBank muốn xin ý kiến cổ đông thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài còn 17,5%, giảm từ mức 20% hiện được quy định tại Điều lệ.
Theo HDBank, việc tạm khóa “room" ngoại xuống 17,5%, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các dự án chiến lược của HDBank trong thời gian tới, đảm bảo tuân thủ các quy định và phù hợp với nhu cầu đầu tư của các cổ đông nước ngoài.
Hiện, HDBank là một trong số ít ngân hàng lớn chưa lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài.
Về chiến lược phát triển, mỗi ngân hàng có một cách tiếp cận riêng phù hợp với nhiều nhu cầu đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, một điểm chung của nhiều ngân hàng là nhấn mạnh vào đổi mới và đa dạng hóa dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tài chính và ngân hàng số, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng và xu hướng toàn cầu.
Tìm cơ hội đầu tư
Việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của các ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, cho biết trong các mục tiêu của 2024, ngân hàng sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược. Lý do, theo ông ngoài giá trị mà họ mang lại, mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị của ngân hàng thông qua sự tin tưởng của một hoặc một số đối tác uy tín được lựa chọn.
"Nhà băng chào đón các nhà đầu tư chiến lược hoặc những nhà đầu tư có tư duy dài hạn để đồng hành xây dựng thương hiệu và gia tăng giá trị ngoài vốn dưới nhiều hình thức khác nhau", ông nói.
Chia sẻ tại cuộc gặp với các nhà đầu tư vừa qua, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của HDBank cho biết, ngân hàng này đã có sẵn sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, để dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn.
Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và HDBank tìm được những đối tác phù hợp. Theo ông Tùng, thời gian qua HDBank đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng, việc thu hút sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không chỉ giúp các ngân hàng tăng thêm nguồn lực tài chính mà còn là sự hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, hệ số an toàn vốn (CAR) tại các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện, tuy nhiên, “bộ đệm” vốn còn tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, tăng vốn và tìm nguồn lực nước ngoài là một xu hướng tất yếu để có thể đáp ứng kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng, hướng tới các tiêu chuẩn quản trị quốc tế như Basel III.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá kế hoạch tiếp tục bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của nhiều ngân hàng trong năm 2024 còn rào cản và khó khăn, nhất là trước ảnh hưởng tiêu cực từ sự trầm lắng của thị trường vốn thế giới do chính sách thắt chặt tiền tệ.
Ngoài ra, ông Dominic Scriven, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Dragon Capital đánh giá, rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia ngân hàng Việt vẫn là việc hạn chế room cho nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng.
Mặc dù đã có nhiều ý kiến về việc nới room ngoại cho các ngân hàng nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng khẳng định, việc mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài chỉ nên áp dụng với các tổ chức tín dụng yếu kém bởi hiện có 27/31 ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường chứng khoán ở tình trạng này. Cho nên nếu có biến động lớn về kinh tế trong nước và thế giới thì nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng rút vốn, từ đó gây khó khăn trong công tác quản lý kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ.
Huyền Anh