Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong nước vừa được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến. Trong đó, quy định những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) có thể được nới tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư ngoại lên 49%, thay vì 30% như hiện nay.
Tuy nhiên, nhà điều hành cho rằng, chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao chưa nên mở rộng ra tất cả các tổ chức tín dụng.
Room ngoại của các ngân hàng hiện nay ra sao?
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho thấy, có khoảng 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%. Trong đó, có một số ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại là: ACB, MSB, TPBank…
VIB lên kế hoạch nới room ngoại lên đến 30%. |
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng vẫn còn nguyên 100% room ngoại hoặc tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp như SeABank, Bac A Bank, VietCapital Bank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank, SHB, LienVietPostBank…
Nguyên nhân là nhiều ngân hàng chủ động khoá room ngoại để chờ đối tác chiến lược. Chẳng hạn, SeABank và LienVietPostBank đã khóa room ngoại ở mức rất thấp 5% để giữ chỗ cho đối tác chiến lược. Trong khi đó, mặc dù mở room ngoại ở mức tối đa 30% vốn điều lệ, song tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại NCB và SHB chỉ lần lượt là 8,87% và 6,08% vốn điều lệ.
Đối với Eximbank, sau khi cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation thoái vốn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhà băng này tính đến nay chỉ là 8,21% vốn điều lệ.
Lý giải về việc vì sao vẫn có những ngân hàng khóa room nhà đầu tư nước ngoài, một chuyên gia cho rằng: “Có thể là do ngân hàng chống thâu tóm nhưng quan trọng hơn là họ muốn tìm nhà đầu tư nước ngoài có phong cách quản trị, mô hình kinh doanh phù hợp. Tức là họ bán lô sỉ luôn có lợi thế hơn so với bán lô lẻ”.
Dù đã kín room hay vẫn còn trống room, điểm chung của các ngân hàng là đều mong được nới room vốn ngoại hơn nữa nhằm có dư địa cho các phương án huy động vốn trong tương lai. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng nhận định, mức độ quan tâm của nhà đầu tư ngoại là rất lớn nhưng room chật chội khiến họ không mấy mặn mà.
“Nếu các cơ quan chức năng chấp thuận nới room ngoại cho các ngân hàng niêm yết lên trên 30%, tức là giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng tiềm lực tài chính, cũng như đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
"Thỏi nam châm" hút vốn ngoại
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, hiện nay, chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao, chưa nên mở rộng ra tất cả các tổ chức tín dụng. Bởi đã có hiện tượng một số ngân hàng nước ngoài dần dần rút vốn đầu tư ra khỏi ngân hàng trong nước, đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể mất đi phần lợi ích từ nhóm khách hàng do nhà đầu tư nước ngoài mang lại (nhóm khách hàng có thể chuyển sang dịch vụ của những tổ chức khác có quan hệ với nhà đầu tư hoặc với tổ chức tín dụng do nhà đầu tư nước ngoài thành lập/tham gia góp vốn).
Theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó có 2 NHTM cổ phần nhận chuyển giao tại Phương án chuyển giao bắt buộc có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Do đó ông Hùng cho rằng việc tăng giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết.
"Nới room sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội", ông Hùng cho biết.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết: “Khi “cõng” một ngân hàng yếu kém thì ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tỉ lệ an toàn vốn của ngân hàng mẹ. Thậm chí có thể khiến ngân hàng mẹ khó đạt chuẩn an toàn vốn theo Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng).
Điều kiện tiên quyết để đảm bảo “sức khỏe” là ngân hàng mẹ phải tăng vốn. Vậy tiền đâu để tăng vốn? Chắc chắn ngân hàng sẽ không tìm kiếm nhà đầu tư nhỏ lẻ mà phải săn những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Vấn đề đặt ra là để thu hút những ông lớn nước ngoài thì tỉ lệ sở hữu phải đủ hấp dẫn để bảo đảm được quyền lợi của họ. Thông điệp nới tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 49% chính là tạo “thỏi nam châm” có sức hút mạnh nhất đối với họ.
Huyền Anh