Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tập trung các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng… (Ảnh minh họa) |
Theo đó, ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nâng cao vai trò và trách nhiệm của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trong liên kết hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).
Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên mà Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đặt ra đó là tiếp tục làm tốt vai trò ngân hàng đầu mối kết nối hệ thống QTDND, trong đó bám sát và hỗ trợ kịp thời cho các QTDND, ưu tiên nguồn vốn để thực hiện công tác điều hòa vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu hợp lý về nguồn vốn cho các QTDND cho vay mở rộng tín dụng; Cho vay xử lý thanh khoản tạm thời đối với các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động; Quản lý, sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND an toàn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với các QTDND thành viên theo chỉ đạo của NHNN; hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ đào tạo, kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đối với QTDND thành viên. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều hòa vốn (lãi suất tiền gửi, lãi suất tiền vay điều hòa, mức cho vay, thời hạn cho vay, điều kiện vay vốn...) để điều hòa hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi của QTDND, phù hợp với thực tế hoạt động và yêu cầu phát triển hệ thống QTDND. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục nâng cao vai ngân hàng hệ thống thông qua việc cung cấp dịch vụ thanh toán và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, cung ứng sổ tiết kiệm trắng đáp ứng nhu cầu của các thành viên QTDND. Nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định, quản lý chất lượng tín dụng đối với các khoản cho vay QTDND; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhằm tiến tới cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại cho các QTDND thành viên. Triển khai các chính sách hỗ trợ các QTDND khắc phục khó khăn: thực hiện miễn, giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ…
Đặc biệt, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục rà soát, nghiên cứu và kiến nghị NHNN xem xét hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, QTDND và củng cố tính liên kết để điều chỉnh căn bản hoạt động của QTDND theo đúng mục đích tôn chỉ hợp tác xã, tự chủ tự chịu trách nhiệm, vai trò thành viên, quy mô hoạt động, nhất là trong công tác kiểm tra QTDND, cho vay điều hòa vốn, hỗ trợ thanh khoản, xử lý QTDND yếu kém, hỗ trợ tổn thất cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Đồng thời, kiến nghị NHNN báo cáo Chính phủ nghiên cứu trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới thay cho Chỉ thị 57-CT/TW (đã được tổng kết vào năm 2013) với các vấn đề căn bản điều chỉnh mô hình, tổ chức hoạt động hệ thống QTDND trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. |
Trong bối cảnh nền kinh tế xã hội đang còn chịu các tác động khó lường của dịch bệnh cũng như ảnh hưởng từ kinh tế quốc tế, để hỗ trợ hoạt động của QTDND, người dân và doanh nghiệp, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với QTDND, doanh nghiệp và người dân, nhất là đối với các khoản cho vay cũ và các khoản cho vay trung, dài hạn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Trong đó, thực hiện kiểm soát tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của NHNN; cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid -19, thiên tai, biến đổi khí hậu; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản…; tăng cường quản lý rủi ro cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Các Chi nhánh phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về QTDND, chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; kịp thời báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Trụ sở chính Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam về các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình quan hệ tín dụng với khách hàng.
Một nhiệm vụ trọng tâm đang được Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam triển khai đó là phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tập trung triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, các dịch vụ ngân hàng số; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện lợi; đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền lợi khách hàng, đặc biệt là khách hàng QTDND; Nghiên cứu tổ chức triển khai áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa cho hệ thống thẻ của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo lộ trình chuyển đổi đã được NHNN quy định. Thực hiện lộ trình chuyển đổi trong năm 2021 đối với các máy ATM, POS đang hoạt động và thẻ nội địa đang lưu hành theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (đã sửa đổi, bổ sung). Tăng cường phối hợp, mở rộng kết nối với các ngành, lĩnh vực để cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
H.C