Đây là lần đầu tiên trên thị trường có một gói vay tổng trị giá lớn đến như vậy dành cho đối tượng công nhân lao động. Cung cấp vốn là hai công ty tài chính tiêu dùng thuộc HDBank và VPBank, theo đó, mỗi ngân hàng triển khai gói 10.000 tỉ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân.
Lộ trình triển khai thế nào?
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, người lao động vay tiêu dùng có thời hạn 2 tháng đến tối đa 3 năm (tương ứng 70 triệu đồng) nhằm phục vụ tiêu dùng, sinh hoạt hằng ngày như đi chợ, đóng tiền học cho con… Nếu có nhu cầu lớn, các ngân hàng sẽ có các khoản vay có điều kiện khác.
Theo chia sẻ của ông Tú, trước đây, Agribank có gói hỗ trợ trị giá 5.000 tỉ đồng, doanh số cho vay đến nay đã đạt 64.000 tỉ đồng. Số lượng người được thụ hưởng lớn, doanh số cho vay trong 5 năm qua rất lớn so với gói 5.000 tỉ đồng công bố ban đầu; dư nợ cho vay trên 4.000 tỉ đồng.
“Đây là một trong những gói triển khai hiệu quả. Chúng tôi đang nghiên cứu để có các gói cho vay tương tự để giúp người dân tiếp cận được kênh tín dụng chính thức”, ông Tú nói.
Hỗ trợ tín dụng cho công nhân tại các khu công nghiệp là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn "tín dụng đen" |
Là công ty được chỉ định triển khai gói tín dụng 20.000 tỉ đồng, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính VPBANK SMBC (FE CREDIT), cho biết: “Trong bối cảnh “tín dụng đen” đang len lỏi vào các khu công nghiệp ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động, FE CREDIT đã quyết định triển khai gói vay có giá trị 10.000 tỉ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất các công ty tài chính đang cho vay nhằm hỗ trợ cho công nhân tại các khu công nghiệp tiếp cận được nguồn tài chính chính thống để tránh vướng vào hệ lụy của vay "tín dụng đen". NHNN và Liên đoàn Lao động đang hướng dẫn các thủ tục để FE CREDIT sớm có phương án nhanh chóng triển khai gói vay ưu đãi này tới người lao động”.
Trong khi đó, HDBank cho biết sẵn sàng thực hiện triển khai gói hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng Giám đốc HD SAISON nhấn mạnh: HDBank không triển khai giải ngân trực tiếp, mà sẽ thông qua HD SAISON - công ty tài chính sở hữu mạng lưới dịch vụ rộng lớn nhất thị trường với hơn 23.000 điểm giao dịch tại 63 tỉnh, thành để thực hiện. Mạng lưới sẵn có cũng là lợi thế của HD SAISON khi thực thi chương trình này để giúp công nhân, người lao động ở các khu vực vùng sâu vùng xa tiếp cận dễ dàng hơn nữa các nguồn vốn vay ưu đãi.
Tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 11 mới đây, nói về "tín dụng đen", ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, người lao động rất khó phân biệt đâu là công ty tài chính trá hình, trong khi một số công đoàn cơ sở ngại việc/nhiều thủ tục cho vay nên một số công ty tài chính chưa tiếp cận được công nhân.
Ông Khang cho biết, thời gian tới, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và NHNN sẽ có quy chế về việc các công ty tài chính xuống ký trực tiếp tại công đoàn địa phương hoặc khu công nghiệp.
"Mục tiêu để công nhân lao động tiếp cận được với nguồn vốn chính thức", ông Khang nhấn mạnh.
Công nhân mong sớm thực hiện triển khai
Gói tín dụng 20.000 tỉ đồng với mức hỗ trợ lãi suất bằng 50% lãi suất thông thường này là thông tin rất vuiđến với người lao động thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng hiện nay là cần phải đẩy nhanh tốc độ triển khai của gói hỗ trợ này, sử dụng biện pháp công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn.
Chị Thu Hương, công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ: Nhu cầu vay vốn để làm kinh tế phụ gia đình hay tiêu dùng trong cuộc sống rất lớn. Nếu có nguồn vốn 20.000 tỉ đồng cho công nhân vay với lãi suất bằng một nửa lãi suất vay hiện nay thì quá tốt. "Tôi từng là nạn nhân của tín dụng đen với lãi suất 45%/tháng (tương tương 540%/năm). Nếu có nguốn vốn ưu đãi từ các công ty tài chính sẽ giúp công nhân tránh được "tín dụng đen". Tuy nhiên, điều công nhân mong muốn là việc triển khai phải nhanh chóng với thủ tục đơn giản".
Trao đổi với VnBusiness, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần xây dựng quy định thủ tục vay nhanh gọn, dễ dàng. Nếu thủ tục rườm rà, bắt phải chứng minh nhiều giấy tờ, chờ đợi lâu, người cần tiền gấp phải chạy đi vay nặng lãi thì mục đích hỗ trợ người nghèo không có tác dụng.
"Đặc biệt, với gói tín dụng này dành cho đối tượng có thu nhập thấp, vì vậy cho vay đúng người để đảm bảo an toàn nguồn vốn. Người vay vốn phải đúng là người cần vốn chính đáng, đáp ứng nhu cầu thực sự của đời sống, sinh hoạt hoặc làm ăn. Nếu như người vay vốn để chơi cờ bạc, lô đề, ăn nhậu thì sẽ không có khả năng trả vốn và lãi, chương trình hỗ trợ vốn sẽ thất bại", chuyên gia này nói.
Về những băn khoăn này, ông Tú cho biết, NHNN sẽ giám sát để sử dụng đúng mục đích, đảm bảo thu được nợ. Người công nhân vay được khoản tiền này cần sử dụng hiệu quả, đúng với nhu cầu chính đáng. Việc này cần sự hỗ trợ của các tổ chức công đoàn trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Kinh nghiệm giống mô hình Ngân hàng Chính sách xã hội đã áp dụng, khi nhiều tổ chức đoàn thể, chính trị cùng phối hợp triển khai các gói hỗ trợ thì hiệu quả cao, nợ xấu thấp.
"Gói tín dụng 20.000 tỉ đồng thực hiện hiệu quả thì sẽ có nhiều gói khác tiếp tục được triển khai, ngày càng nhiều công nhân lao động nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi", ông Tú nhấn mạnh.
Bên cạnh gói tín dụng 20.000 tỉ đồng, đại diện NHNN thông tin, NHNN đang hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh dạn cho vay với chủ trương là cho vay, phát triển thị trường nhỏ lẻ; thứ hai là sử dụng biện pháp công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn; tăng cường cho ngân hàng chủ động tiếp cận nhu cầu vay của người dân.
Huyền Anh