Nói về lý do lựa chọn nhóm khách hàng này, ông Thomson Faw Siew Kat, tổng giám đốc CIMB chia sẻ, dù đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đã từng bước được kiểm soát, nhưng quý I năm 2022, cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh; 1,3 triệu người thiếu việc làm. Trải qua thời gian dài công việc đình trệ vì dịch bệnh, thu nhập của lao động trong nhiều lĩnh vực cũng chưa thể hồi phục như trước đó.
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nhóm khách hàng dưới chuẩn sẽ giúp hạn chế được "tín dụng đen" |
Với lao động thu nhập thấp, gánh nặng kinh tế còn trở nên nặng nề hơn bao giờ hết, khi các loại hình dịch vụ, hàng hoá đồng loạt tăng giá trong thời gian gần đây. Do nhu cầu cần trang trải cuộc sống trước mắt, hay thu xếp khoản vốn nhỏ để sản xuất kinh doanh, một bộ phận người lao động thậm chí đã rút bảo hiểm xã hội một lần, mà không lường hết những thiệt thòi về sau.
Từ nhu cầu thực tế của thị trường, cũng như thấu hiểu khó khăn của khách hàng “dưới chuẩn”, CIMB đã hợp tác với Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 để cung cấp sản phẩm tài chính toàn diện cho tầng lớp lao động phổ thông, thu nhập thấp, chưa có khả năng hoặc khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính minh bạch và chính thống.
Theo ông Thomson Faw Siew Kat, việc “bắt tay” với F88 sẽ giúp CIMB tận dụng chuỗi dịch vụ tài chính tiện ích có độ phủ rộng lên đến hơn 600 phòng giao dịch, nhằm tối ưu hoá trải nghiệm và phục vụ tối đa nhu cầu vay vốn tiêu dùng của những người dân còn hạn chế trong khả năng tiếp cận nguồn vay vốn ngân hàng.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính đến các nhóm khách hàng tiềm năng, góp phần thu hẹp khoảng cách và giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính của người dân thu nhập thấp. Khi nhóm lao động phổ thông được tiếp cận với nguồn tài chính hợp pháp và an toàn, chắc chắn tình trạng “tín dụng đen” sẽ được đẩy lùi”, ông Thomson Faw Siew Kat cho hay.
Về ngăn chặn tình trạng "tín dụng đen", tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tổ chức mới đây, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ, ngành ngân hàng có nhiều chính sách để hạn chế "tín dụng đen" như hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay; thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng; giảm lãi suất; đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Kết quả, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ đến cuối tháng 4/2022 đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 8,93% so với cuối năm 2021.
“So với năm 2017, "tín dụng đen" theo đánh giá sơ bộ giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã giảm hơn một nửa, những sự việc đau lòng đã hạn chế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hơn tín dụng chính thức”, ông Tú nói.
Huyền Anh