![]() |
Ảnh minh hoạ |
Thông báo mới từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, từ ngày 01/7/2019, BIDV triển khai phương thức xác thực giao dịch nâng cao BIDV Smart OTP dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đang sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.
BIDV nhấn mạnh, từ ngày 01/7/2019, BIDV Smart OTP là phương thức xác thực giao dịch bắt buộc áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp, với tất cả các giao dịch chuyển tiền trong nước và quốc tế khác chủ tài khoản trên BIDV Business Online.
Đối với khách hàng cá nhân, chuyển đổi bắt buộc này áp dụng đối với các giao dịch chuyển tiền khác chủ tài khoản có giá trị trên 100 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng/ngày trên BIDV Online, BIDV SmartBanking.
Cũng từ ngày 01/7/2019, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thực hiện chuyển đổi đối với các khách hàng tổ chức đang sử dụng phương thức xác thực SMS - OTP tại cấp duyệt lệnh cao nhất trong dịch vụ ngân hàng trực tuyến sang phương thức khác (bao gồm VCB m-Token, EVM-OTP, eToken).
Tương tự, từ ngày 01/7/2019, tất cả khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khi giao dịch, chuyển tiền qua VPBank Online phải nhận OTP qua VPBank Smart OTP thay vì nhận qua SMS hay email như hiện tại.
Với khách hàng cá nhân, các giao dịch chuyển tiền có hạn mức lớn hơn 100 triệu VND/ngày cũng bắt buộc phải dùng VPBank Smart OTP.
Còn tại ngân hàng Techcomban, phương thức xác thực Smart OTP đã thay thế hoàn toàn cho SMS OTP và Token OTP từ tháng 4/2019...
Như vậy, với chuyển đổi trên, các giao dịch chuyển khoản trực tuyến của doanh nghiệp tại các ngân hàng đã lần lượt chuyển đổi lên phương thức xác thực nâng cao; còn với khách hàng cá nhân, các giao dịch chuyển tiền có hạn mức lớn hơn 100 triệu VND/ngày cũng buộc chuyển đổi, phương thức SMS - OTP phổ biến thời gian qua chỉ áp dụng cho các hạn mức thấp hơn.
Chuyển đổi này nhằm tăng cường bảo mật dữ liệu cho khách hàng và tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 630/QĐ-NHNN ban hành ngày 31/3/2017 của Ngân hàng Nhà nước.
Theo các chuyên gia trong ngành tài chính-ngân hàng, Smart OTP là một trong ba hình thức nhận mã xác thực phổ biến hiện nay. Đây là phần mềm được cài đặt trên các thiết bị di động như: điện thoại di động, máy tính bảng, cho phép người dùng chủ động lấy mã xác thực giao dịch OTP cho các giao dịch trên Internet Banking của ngân hàng.
Mức độ bảo mật của Smart OTP được xếp vào nhóm cao nhất trong các giải pháp xác thực giao dịch trực tuyến hiện nay, cao hơn hẳn SMS OTP và Token Key, đáp ứng yêu cầu bảo mật của mọi loại giao dịch trực tuyến, đặc biệt là các giao dịch tài chính giá trị cao...
Do đó, để sử dụng, khách hàng cần đăng ký cho phép sử dụng Smart OTP trên một thiết bị duy nhất. Mỗi tài khoản ngân hàng sẽ chỉ có một mã mở khóa, ứng với một thiết bị duy nhất do chính khách hàng đăng ký.
Thanh Hoa