Mất việc, thu nhập giảm, không có tiền trả ngân hàng nên số ô tô bị thu hồi để phát mãi sẽ còn tăng. |
Tác động của dịch Covid-19 khiến thu nhập của nhiều người lao động giảm sút, thậm chí bị mất việc. Điều này ảnh hưởng gián tiếp đến những khách hàng vay mua ôtô trả góp. Nhiều người không đủ khả năng trả lãi và nợ gốc mỗi tháng. Vì vậy khoản nợ đã chuyển sang nợ xấu buộc ngân hàng thu hồi tài sản đảm bảo.
Khách hết tiền trả nợ
Cuối năm 2019, anh Nguyễn Văn Tuấn (Đông Anh, Hà Nội) mua một chiếc xe Hyundai i10 theo hình thức trả góp với giá hơn 600 triệu đồng. Để được vay, anh Tuấn phải ký hợp đồng tín dụng với một ngân hàng và mỗi tháng trả đủ 10 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát thu nhập của anh Tuấn giảm sút, khoản tiền 10 triệu đồng mỗi tháng trả ngân hàng trở thành gánh nặng với anh.
“Từ tháng 3 đến nay, tôi không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Vì vậy, cuối tháng 6 vừa rồi, ngân hàng đã phong toả tài sản đảm bảo là chiếc xe ô tô Hyundai i10 tôi đã thế chấp”, anh Tuấn cho hay.
Một nhân viên ngân hàng cho biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị 02, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số ngân hàng bắt đầu triển khai các giải pháp cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.
Theo đó, khách hàng sẽ được miễn, giảm lãi đối với khoản vay cũ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Để được hưởng những ưu đãi này, khách hàng phải chủ động gửi đơn đề nghị ngân hàng giãn nợ và trình bày nguồn thu nhập bị sụt giảm như thế nào. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ thẩm định và xem xét từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều khách hàng, họ đã làm đơn theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Chị Hoàng Thị Nga, một tiểu thương buôn bán tại Hà Nội cho hay, năm ngoái, vợ chồng chị mua ô tô bán tải trả góp để vận chuyển hoa quả, thực phẩm từ tỉnh Hải Dương lên Hà Nội bán. Khoản lãi từ buôn bán dùng để trả nợ 400 triệu đồng vay ngân hàng, 3 tháng đầu năm nay kinh doanh đình trệ, cố gắng chắt chiu cũng chỉ đủ ăn nên không có tiền trả nợ ngân hàng, 2 tháng gần đây, việc buôn bán có khởi sắc hơn một chút, nhưng vẫn không đủ 12 triệu cho ngân hàng.
“Tôi đã liên hệ với ngân hàng để làm đơn đề nghị, hy vọng sẽ được ngân hàng giãn thời hạn trả nợ, giảm phần nào lãi suất, nhưng đến nay gần 2 tháng vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía ngân hàng. Nguy cơ bị siết nợ là rất cao”, chị Nga than thở.
Ngân hàng phải “ôm” ô tô
Có thể thấy, thời gian trước mục thanh lý tài sản của các ngân hàng phần lớn là bất động sản, máy móc, thì 2 tháng trở lại đây các nhà băng dồn dập thanh lý ô tô.
Chẳng hạn, VIB đang thanh lý 59 chiếc thuộc đủ mọi chủng loại, không chỉ ôtô loại nhỏ như trước mà có cả xe khách và xe tải, như chiếc xe khách Samco Limousine đang được rao 890 triệu đồng, xe Ford Transit 16 chỗ đang được rao 434 triệu đồng.
Từ tháng 7, TPBank liên tục thông báo thanh lý tài sản đảm bảo là ô tô của các doanh nghiệp và cá nhân với giá khởi điểm từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng/chiếc.
Anh Nguyễn Hoài Nam, nhân viên một ngân hàng TMCP có nhiều hợp đồng tín dụng mua xe trả góp cho biết, gần đây, số lượng ô tô bị thu hồi trừ nợ đang tăng lên do không có khả năng thanh toán. Tại ngân hàng này, số khách hàng không có khả năng trả nợ và bị thu xe hai tháng lại đây cao gấp 1,5 lần so với trước. Nhiều nhất là xe tải và xe chở khách.
"Dịch bệnh bùng phát khiến hoạt động kinh tế bị ngừng trệ, giảm sút, dẫn đến kinh doanh vận tải gặp khó khăn, không có nguồn thu trả nợ cho ngân hàng. Nhiều khách hàng đã chấp nhận để ngân hàng thu xe về", anh Nam cho hay
Bên cạnh đó, nhiều gia đình trước đây mua xe trả góp vừa phục vụ gia đình vừa kinh doanh cũng gặp khó do thu nhập giảm sút, không trả nợ đúng hạn cũng bị ngân hàng thu nợ.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, thời gian qua ngân hàng đã cơ cấu nợ cho một số khách hàng vay mua ôtô theo hướng giãn nợ hoặc giảm số tiền phải trả nợ hằng tháng, kéo dài thời gian vay để phù hợp với thu nhập hiện nay của khách hàng, nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Với những trường hợp xét thấy không còn khả năng thanh toán, có nguy cơ mất vốn, ngân hàng sẽ thu hồi tài sản, thanh lý để xử lý nợ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp khách hàng không hợp tác, không lên làm việc. Chỉ khi hết hạn giấy đi đường hay đến hạn đăng kiểm mới liên hệ ngân hàng để xin giấy, lúc này ngân hàng mới xử lý được khoản nợ.
Dù gia tăng nợ xấu từ tài sản đảm bảo là ô tô, song giám đốc khối xử lý nợ tại một ngân hàng lớn cho biết, xe hơi là nhóm tài sản có thanh khoản rất tốt và thường được ngân hàng xử lý dễ dàng khi đã thu giữ.
Thanh Hoa