Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, với lãi suất cho khoản vay mới hiện nay, nhà băng thậm chí chấp nhận hòa vốn, nhưng vẫn khó tìm được khách hàng tốt để giải ngân.
Triển khai ưu đãi, đẩy mạnh tín dụng
Để kích cầu cho vay, các ngân hàng tung ra các gói tín dụng ưu đãi và giảm lãi suất cho vay.
Điển hình, VietinBank vừa có thông báo giảm lãi suất lần 2 chương trình "Vay ưu đãi - Khởi sắc tương lai". Mức lãi suất cho vay thấp nhất từ 5,2%/năm đối với ngắn hạn; 5,8%/năm cho vay trung dài hạn. Lãi suất cho vay này giảm 0,5%/năm so với thời điểm công bố cuối tháng 1.
Trong khi đó, Vietcombank cho vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn với lãi suất từ 5,3%/năm và lãi suất từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất vay trong 6 tháng đầu tại nhà băng này chỉ từ 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) và 6,3%/năm đối với các khoản vay trung - dài hạn.
Các ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt là cho vay mua nhà, ô tô… với lãi suất từ 5%/năm nhằm cạnh tranh hút khách hàng. |
Tại SHB, mức lãi suất cho vay 5,79% được mời chào trong gói ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân. Các doanh nghiệp cũng có mức lãi tương tự, tùy vào từng nhu cầu vay, cho cả các khoản ngắn hạn và trung dài hạn.
Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp của SHB cho biết: "Gói 10.000 tỷ của SHB có mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,79%/năm, giảm so với trước đây tới 0,6%/năm. Gói lãi suất này áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất với kỳ hạn vay dưới 6 tháng".
BIDV cũng dành hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi. Với lợi thế về quy mô, lãi suất đã được điều chỉnh giảm sâu xuống dưới 5%/năm, tức là chỉ tương đương mức huy động của một số ngân hàng nhỏ hơn.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Ban Chính sách Sản phẩm Bán buôn của BIDV chia sẻ: "Mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm so với lãi suất cho vay thông thường đối với ngắn hạn là 1%, với trung dài hạn có thể lên đến 1,5% hoặc cao hơn. Mức lãi suất cho vay trong gói đối với khách hàng cá nhân thấp nhất là 4,3% và đối với khách hàng doanh nghiệp sẽ chỉ từ 4,8%/năm".
Anh Bảo Sơn, cán bộ tín dụng một nhà băng trong top 10, nói nỗi khổ của nhân viên tín dụng lúc này là áp lực tìm khách hàng cho vay nhưng cũng phải kiểm soát rủi ro.
Chỉ tiêu này được tính theo từng quý nên nhân viên tín dụng đang nỗ lực để đẩy doanh số giải ngân, bởi chỉ tiêu này quyết định đến thu nhập, lương thưởng trong quý của họ. "Tìm khách hàng vừa tốt vừa có nhu cầu vay vốn lúc này là điều không dễ. Nhiều doanh nghiệp rất muốn vay nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn về tài sản đảm bảo, quy định kiểm soát rủi ro, còn những doanh nghiệp đáp ứng lại "co mình" thận trọng", anh Sơn cho biết.
Lợi nhuận ngân hàng vẫn chủ yếu nhờ tín dụng
Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, các ngân hàng còn phải cạnh tranh cả chính sách cho vay. Như Vietcombank đa dạng thêm các hình thức thế chấp, tín chấp không cần tài sản đảm bảo để thu hút người vay.
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank nhận định: "Ngoài việc giảm lãi suất để hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng, chúng tôi đã đưa ra rất nhiều chính sách liên quan đến giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ khách hàng trong quá trình có thể triển khai áp dụng hồ sơ online để tạo điều kiện cho khách hàng giảm chi phí về mặt tiếp cận tín dụng của ngân hàng".
Hiện có khoảng 13,8 triệu tỷ đồng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Nếu không cho vay được, các ngân hàng sẽ vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Vì thế, trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, áp lực cạnh tranh của các ngân hàng càng nhiều hơn.
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết hiện đang diễn ra cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay khốc liệt giữa các ngân hàng thương mại, cho nên các ngân hàng không chỉ cạnh tranh về lãi suất mà còn phải cạnh tranh về chính sách cho vay thì mới mong đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Chính vì thế, các khách hàng chưa bao giờ đi vay mà thuận lợi như bây giờ.
Nguyên nhân khiến cho vay mảng bán lẻ giảm trong những tháng đầu năm là tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm, thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhu cầu vay bất động sản tiêu dùng tiếp tục suy giảm.
Theo ông Vượng, phải đến hết quý II, Agribank mới có thể đạt tăng trưởng tín dụng 5%-6%. Và phải đến quý III và quý IV mới có sự phục hồi rõ rệt.
Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang nằm trong ngân hàng, nếu không khơi thông được dòng vốn, các ngân hàng sẽ khó đạt được mục tiêu kinh doanh trong năm nay, bởi tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng vẫn chủ yếu nhờ tín dụng (chiếm gần 80% cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng thương mại).
Chia sẻ về kế hoạch lợi nhuận năm 2024, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, ông Lưu Trung Thái cho biết, tăng trưởng của MB năm 2024 và các năm tiếp theo được kỳ vọng dựa trên 3 động lực tăng trưởng lớn, đó là bán lẻ, chuyển đổi số và sự hợp lực từ hệ sinh thái MB.
Trong đó, ở động lực bán lẻ, Chủ tịch MB kỳ vọng hiện tại, MB có hơn 26 triệu khách hàng, dự kiến năm 2024 sẽ có 30 triệu khách hàng. Bên cạnh đó, dư nợ bán lẻ và dư nợ cho vay khách hàng siêu nhỏ đang chiếm 51% tổng cơ cấu nợ của MB và tốc độ tăng trưởng vẫn đang rất tốt. Đây là động lực giúp MB tăng trưởng rất tốt trong mấy năm vừa qua.
“Với bối cảnh năm 2024 khi các tổ chức tín dụng bước vào chu kỳ kinh tế mới, tức mặt bằng lãi suất cho vay giảm, thì lợi thế tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và chi phí vốn sẽ giúp MB có điều kiện tốt để đưa đến khách hàng các khoản vay với chi phí hợp lý mà vẫn đảm bảo được lợi nhuận cao trong tương lai”, lãnh đạo MB thông tin.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết NHNN sẽ tiếp tục theo dõi tăng trưởng tín dụng của tháng 3, quý I và các tháng tiếp theo để có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ người đi vay và tăng trưởng nền kinh tế.
Trước đó, NHNN đã yêu cầu các nhà băng đơn giản thủ tục cho vay để tăng tiếp cận vốn khách hàng. Về phía doanh nghiệp, ông Hà cho rằng cũng cần tích cực có thêm dự án khả thi, minh bạch năng lực tài chính để các ngân hàng thẩm định, cung ứng vốn.
Huyền Anh