Theo các ngân hàng, hiện nay, tiền đang "dư thừa" hàng chục nghìn tỷ trong nhà băng. Nếu nói rằng ngân hàng không muốn cho vay là không đúng. Ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng điều kiện nào để cho vay?
Đòi nợ khó, ngân hàng e ngại cho vay doanh nghiệp thua lỗ, không tài sản thế chấp
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết: "Chúng tôi có hơn 40.000 doanh nghiệp, hạn mức cấp cho họ là 240 nghìn tỷ đồng, hiện nay tổng giải ngân hơn 60 nghìn tỷ, còn lại không giải ngân được vì nhiều lý do. Đấy là những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhưng họ không có đầu ra, không có phương án".
Lãnh đạo các ngân hàng cho hay, trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại có sự cạnh tranh rất quyết liệt. Thực tế, các ngân hàng đang cạnh tranh giảm lãi suất cho vay rất thấp đối với các khoản vay mới để thu hút khách hàng tốt, thậm chí cho vay để trả nợ các ngân hàng khác.
Điều này dẫn tới khả năng doanh nghiệp dịch chuyển từ vay ngân hàng này sang vay ngân hàng khác hoặc là đảo nợ cũ thành nợ mới để có lãi suất thấp hơn. Điều này cũng dẫn đến thực tế là tăng trưởng tín dụng chưa đạt yêu cầu.
Ngân hàng cho biết có những doanh nghiệp đang được vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động. |
Lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh còn cho biết, việc cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng không loại trừ có những trường hợp cho vay còn thấp hơn lãi suất huy động và có khả năng doanh nghiệp không đưa vốn vay được vào sản xuất kinh doanh mà còn gửi vào ngân hàng khác đang huy động vốn với lãi suất cao hơn.
Do đó, các ngân hàng nhận định lãi suất không phải là yếu tố dẫn đến tín dụng tăng chậm. Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, ngoài những yếu tố khách quan như tính thời vụ, sức cầu trong nước yếu, người dân thắt chặt chi tiêu khiến tín dụng trong những tháng đầu năm không thể tăng nhanh thì còn có nguyên nhân chủ quan như thủ tục cho vay thiếu cởi mở, không mạnh dạn hoặc là yêu cầu về tài sản đảm bảo.
Ví dụ, đề cập đến vấn đề cơ chế tài sản đảm bảo, Chủ tịch Agribank cho rằng còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, hay là cho vay doanh nghiệp đang bị lỗ là vấn đề rất lớn mà các ngân hàng thương mại cũng e sợ.
“Các ngân hàng thương mại vẫn e sợ khi không có được sự bảo đảm nào từ cơ quan bảo vệ pháp luật nếu không thu được nợ mà lại thiếu tài sản bảo đảm, hay giải ngân cho doanh nghiệp đang lỗ. Vấn đề này, các ngân hàng thương mại cũng đã trải nghiệm trên thực tế, dẫn tới tâm lý “cho vay có thiếu sót nhưng thu hồi được nợ còn hơn cho vay đúng mà không thu hồi đủ nợ”, ông Ẩn chia sẻ.
Lãnh đạo Agribank cho hay, theo tính chất hoạt động của ngành ngân hàng, khó khăn của ngành ngân hàng sẽ có độ trễ so với khó khăn của khách hàng vay. Điều này đang thể hiện trong số liệu nợ xấu của các nhà băng.
Thực tế, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đã tăng từ mức 2,03% cuối năm 2022 lên 4,55% cuối năm 2023. Với tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay, nếu Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ không được kéo dài thời hạn hiệu lực, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Nợ xấu tăng, áp lực trích lập dự phòng tăng kéo theo lợi nhuận ngân hàng sụt giảm. Trong khi đó, việc cơ cấu nợ mới cũng phải dựa trên khả năng cho phép của mỗi ngân hàng thương mại.
Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định, việc hạ thấp điều kiện cho vay là không thể, vì điều này vi phạm cam kết quốc tế, vi phạm đảm bảo an toàn đồng vốn, cho nên phải tìm phương pháp khác.
“Dứt khoát phải giải quyết bài toán ngân hàng thừa tiền trong khi các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn có tiền để vay mà không vay được”, ông Thân nhấn mạnh.
Ngân hàng không phải là cơ quan duy nhất có thể để cho doanh nghiệp vay vốn. Hiện có rất nhiều nguồn cho vay, như các gói tín dụng ưu đãi. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể phát huy tối đa hiệu quả của những gói tín dụng ưu đãi này. Có như vậy, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng mới có thêm những nguồn để tiếp cận vốn.
Thứ hai là các quỹ, đây là công cụ rất ý nghĩa để có thể giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, mà doanh nghiệp này rất nhiều.
Cho rằng trình độ quản lý, vốn, tài chính, tài sản thế chấp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp so với các nước, ông Thân đề nghị phải phát huy tối đa các quỹ này để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ví dụ như Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ sáng tạo, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ…
Bên cạnh đó, với lãi suất cho vay của các khoản nợ cũ vẫn còn cao, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị Thống đốc NHNN phải có giải pháp "rắn", để các ngân hàng điều chỉnh các khoản nợ cũ của doanh nghiệp xuống bằng các khoản vay mới.
Trong khi đó, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho rằng trước mắt để tăng cơ hội giải ngân cho hệ thống ngân hàng cần giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư công, chính sách tài khóa, tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho thị trường bất động sản...
"Để xử lý triệt để thì cần có những cuộc khảo sát trực tiếp những vướng mắc điển hình để xử lý, từ đó đưa ra được những giải pháp chung nhằm giải quyết nhanh các bất cập, làm tăng cơ hội giải ngân của hệ thống ngân hàng”, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn đề nghị.
Đồng tình, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng pháp lý hiện đang là vướng mắc lớn nhất, chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp và dự án. HoREA đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để đủ điều kiện tiếp cận tín dụng.
“Đây là giải pháp phi tín dụng, rất hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nếu không có pháp lý đầy đủ thì các tổ chức tín dụng không có căn cứ để cho vay”, ông Châu nói.
Huyền Anh