Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước. |
Trao đổi với báo giới, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, rất nhiều áp lực đang dồn lên ngành ngân hàng, như phải bơm tín dụng, hạ lãi suất, song phải kiểm soát được lạm phát... Tuy nhiên, năm 2022 sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể, trong năm 2022, ngành ngân hàng sẽ làm gì để tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, thưa ông?
Trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2021, năm 2022 chúng tôi sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện một cách tối đa cho việc hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế.
Trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ chúng tôi cũng sẽ bám sát vào chương trình phục và phát triển kinh tế của chính phủ, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, ổn định vĩ mô cũng như quản lý tốt thị trường ngoại hối, thị trường vàng.
Trong hoạt động tín dụng, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên, tập trung theo chỉ đạo của chính phủ, mặt khác cũng tạo điều kiện để khai thác tối đa các nguồn lực trong nền kinh tế, thông qua các Tổ chức tín dụng (TCTD) góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của chính phủ. Tất cả các nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%.
Năm 2021 chúng tôi đặt ra mục tiêu là 12%, tuy nhiên, để đảm bảo vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là khôi phục nền kinh tế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu vốn để xử lý nhu cầu cấp bách chúng tôi đã nới tín dụng vào thời điểm cuối năm và đến nay đã đạt khoảng 13,5-14%.
Con số 14% cho năm 2022 là con số đặt ra cho mục tiêu điều hành nhưng cũng có thể cao hơn hoặc thấp hơn, tùy vào các nhu cầu vốn của nền kinh tế cũng như yêu cầu kiểm soát lạm phát, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm.
Năm qua, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Ông có thể cho biết NHNN sẽ kiểm soát dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực này ra sao?
Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN cũng tiếp tục chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, nhanh chóng khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế. Với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, NHNN sẽ tăng cường kiểm soát trong năm 2022.
Đặc biệt, theo nhận định của các chuyên gia, sắp tới có thể xảy ra hiện tượng dòng tiền quay vòng, chảy sang chứng khoán, bất động sản. Việc kiểm soát dòng tiền này không dễ trong điều kiện thực tế hiện nay, nhưng chúng tôi sẽ tăng cường giám sát hơn nữa để các thị trường phát triển lành mạnh
Sẽ siết chặt bất động sản có tính chất đầu cơ, các dự án lớn. Tuy nhiên, riêng với bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, NHNN vẫn khuyến khích.
Với trái phiếu doanh nghiệp, NHNN có thể sẽ tiến hành thanh, kiểm tra. Còn lĩnh vực chứng khoán, nếu thị trường phát triển lành mạnh, nguồn vốn vẫn sẽ được tạo điều kiện. Nhưng NHNN sẽ kiểm soát chặt nếu thị trường có dấu hiệu đầu cơ, tăng nóng.
Một vấn đề cũng đang rất được quan tâm đó là nợ xấu của ngành ngân hàng có xu hướng tăng, NHNN dự báo tỷ lệ nợ xấu lên tới 7,31%. Năm 2022, NHNN có chỉ đạo gì để giúp các ngân hàng giảm áp lực và xử lý được nợ xấu, thưa ông?
Dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm và vẫn còn đang diễn biến phức tạp đã, đang và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ.
Đúng là nợ xấu sẽ tăng lên. Theo tính toán của chúng tôi nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu hiện vào khoảng 7,31%. Điều này khó đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn (dưới 3%), tác động tiêu cực, trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các TCTD.
Vì vậy, năm 2022 xác định là một thử thách lớn cho ngành ngân hàng. Chính phủ đã chỉ đạo và ngành ngân hàng cũng đã có những giải pháp, trước hết phải đảm bảo an toàn tài chính cho các TCTD.
Thứ hai để xử lý nợ xấu cũ, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cũng đã mang lại hiệu quả tốt, nếu như không có dịch thì cũng đã hoàn thành rất tích cực những chỉ tiêu đề ra như việc xử lý khoản nợ xấu trước đây. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan từ đại dịch nên quy mô nợ xấu tăng nhanh.
Hiện nay, NHNN đã xác định quy mô nợ xấu trong năm 2022 và những năm tới để đưa ra những giải pháp ứng xử thích hợp trên cơ sở vừa ngăn chặn kiểm soát, không để nợ xấu tăng thêm.
Cụ thể, NHNN sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn.
Với Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu gần hết hiệu lực, NHNN trình Chính phủ, Quốc hội xem xét nâng Nghị quyết thành Luật xử lý nợ xấu. Đó là những giải pháp tích cực để vừa ngăn chặn, vừa xử lý nợ xấu phát sinh do dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Theo ông, Nghị quyết 42 quan trọng như thế nào mà chúng ta cần luật hóa để xử lý nợ xấu?
Nghị quyết 42 có thể nói sau một thời gian thí điểm thực hiện kết quả rất tích cực, giải quyết được khối nợ rất lớn, nếu như không có dịch thì nghị quyết 42 đã giúp thực hiện giải quyết các khoản nợ xấu trước đây. Tuy nhiên, nghị quyết 42 cũng cho thấy chúng ta trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, nợ xấu phát sinh không chỉ do chủ quan mà còn do khách quan của nền kinh tế, của đại dịch thì rất cần đạo luật có hiệu lực pháp lý cao hơn sẽ tạo điều kiện cho ngành ngân hàng cũng như các cơ quan chức năng có thể xử lý nợ xấu một cách tốt hơn, đảm bảo tiến độ nhanh hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Thanh Hoa thực hiện